Giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng

09:54 - Thứ Tư, 19/10/2022 Lượt xem: 4620 In bài viết

ĐBP - Những năm trở lại đây, Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội (CBGDLĐXH) tỉnh chú trọng việc tiếp nhận, phân loại, quản lý, giáo dục, cắt cơn cai nghiện, chữa bệnh, dạy nghề - lao động sản xuất cho các đối tượng mắc nghiện các chất dạng ma túy. Đồng thời, đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật, đạo đức, rèn luyện thể chất, phục hồi hành vi nhân cách, dạy nghề, hướng nghiệp tạo việc làm, chuẩn bị các điều kiện tái hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma túy...

Hiện nay, Trung tâm đang điều trị cho 461 học viên; trong đó, 22 học viên cai nghiện tự nguyện. Trung tâm thực hiện theo đúng quy trình cai nghiện tại Thông tư liên tịch số 41/2010/TTLT/BLĐTBXH-BYT hướng dẫn quy trình cai nghiện cho người nghiện ma túy. Công tác cai nghiện được thực hiện đầy đủ theo 5 quy trình, gồm: Điều trị hỗ trợ cắt cơn, giải độc phù hợp với từng đối tượng, tổ chức giáo dục, phục hồi hành vi nhân cách, dạy nghề... với thời gian được quản lý, giáo dục theo quy định. Xác định công tác truyền thông, giáo dục phục hồi hành vi nhân cách cho học viên là rất quan trọng nên 100% học viên mới vào Trung tâm được phục hồi, tuyên truyền về chế độ chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; Luật Phòng chống ma túy; tác hại của nghiện ma túy đối với bản thân, gia đình, xã hội; kiến thức chung về HIV/AIDS; một số bệnh lây truyền; chăm sóc sức khỏe, quá trình phục hồi...

Sau thời gian điều trị cắt cơn giải độc, 100% học viên tham gia các hoạt động lao động trị liệu để rèn luyện phục hồi sức khỏe và cải thiện đời sống. Hoạt động lao động trị liệu bao gồm: Trồng rau xanh, ươm cây, làm mộc, đan mây, cây cảnh, vệ sinh nội, ngoại cảnh môi trường cơ quan... Trung tâm đã phối hợp với cơ sở, doanh nghiệp để tổ chức dạy nghề, truyền nghề hướng nghiệp cho học viên. Các học viên đã thành thục và có khả năng lao động tại các cơ sở doanh nghiệp hoặc tự tạo việc làm. Các học viên mới vào cũng tham gia lao động trị liệu rèn luyện sức khỏe, tăng thu nhập để chi phí cho các nhu cầu sinh hoạt cá nhân.

Đã nghiện ma túy hơn 10 năm, thời gian đầu ở Trung tâm CBGDLĐXH với anh L.V.Q. (huyện Mường Ảng) không mấy dễ dàng. Thế nhưng, sau hơn 19 tháng ở đây anh L.V.Q. dần thay đổi. Anh Q. chia sẻ: Khi vào đây được các thầy, cô quan tâm điều trị cắt cơn, giải độc và phục hồi sức khỏe và cả đời sống sinh hoạt hàng ngày. Trong quá trình đó, tôi được tham gia các hoạt động lao động trị liệu, như móc tóc giả, học nghề đan mây tre… Đến nay tôi đã cảm thấy khỏe mạnh, không còn nhu cầu sử dụng ma túy. Bây giờ tôi chỉ mong ngày được tái hòa nhập cộng đồng, trở về với gia đình...  

Cùng lao động trị liệu với anh L.V.Q., nhưng anh C.V.T. (huyện Điện Biên Đông) mới vào Trung tâm CBGDLĐXH được hơn 1 tháng và đang cố gắng làm quen với cuộc sống không có chất ma túy. Anh C.V.T. cho biết: “Từ ngày vào đây, tôi được điều trị cắt cơn và hướng dẫn lao động trị liệu bằng phương pháp móc tóc giả. Thời gian đầu chưa quen, người cũng khó chịu; nhưng sự tập trung cao độ với công việc mới mẻ này phần nào giúp tôi dần quên đi nỗi ám ảnh của ma túy... Tôi mong nhanh chóng cai nghiện thành công, để được tái hòa nhập cộng đồng”.

Với những học viên điều trị có tiến triển tốt, Trung tâm hướng dẫn học viên giáo dục, tư vấn phục hồi hành vi, nhân cách. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm hướng dẫn 195 học viên chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng theo các chuyên đề về sức khỏe, đạo đức, truyền thống dân tộc, hướng nghiệp tạo việc làm... Ngoài ra, Trung tâm hướng dẫn 151 học viên tự xây dựng kế hoạch tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện ma túy: Phòng chống tái nghiện, tiếp tục điều trị phục hồi sức khỏe; học nghề, việc làm sinh kế...

Hiện nay, Trung tâm đang phối hợp với huyện Điện Biên triển khai tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai tại cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trung tâm phối hợp tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về công tác quản lý sau cai nghiện, tác hại và phòng, chống tệ nạn ma túy trong đối tượng quản lý và người dân. Đồng thời, tham gia vận động các tổ chức, cá nhân có điều kiện về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh tham gia giúp đỡ, tạo điều kiện cho người sau cai nghiện ma túy được học nghề, vay vốn, tạo việc làm, thu nhập ổn định...

Theo thông tin từ Trung tâm CBGDLĐXH tỉnh, 9 tháng đầu năm có 114 học viên thực hiện quyết định tái hòa nhập cộng đồng. Các đối tượng sau khi cai nghiện ma túy trở về với cộng đồng, rất cần có sự giúp đỡ của các cấp, ngành tạo việc làm và sự quản lý chặt chẽ của gia đình và cộng đồng mới tránh được việc tái nghiện trở lại. Do đó, để công tác cai nghiện và quản lý sau cai có hiệu quả rất cần sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, gia đình và toàn xã hội nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho người sau cai tiến bộ, hòa nhập cộng đồng.

Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top