ĐBP - Cùng với tập trung phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng - an ninh, những năm qua, công tác đảm bảo an sinh xã hội đã được các cấp, ngành quan tâm thực hiện. Bằng nhiều giải pháp hỗ trợ hiệu quả, thiết thực đã giúp các đối tượng yếu thế trong xã hội, hộ nghèo vượt qua khó khăn, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống.
Chương trình “Mái ấm nghĩa tình, an sinh xã hội” là một trong những chủ trương lớn. Thông qua chương trình, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh phân bổ nguồn kinh phí từ Chương trình “Mái ấm nghĩa tình, an sinh xã hội” năm 2022 để làm mới 1.169 căn nhà cho các hộ dân tại huyện Tủa Chùa và một số địa bàn khác trong tỉnh theo hình thức hỗ trợ bằng tiền cho các hộ nghèo tự làm nhà theo nguyên tắc: Quỹ “Vì người nghèo” hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tự tổ chức xây dựng nhà ở; tổng kinh phí trên 60,4 tỷ đồng. Mỗi mái ấm được hỗ trợ 60 triệu đồng đối với hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội; người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật, hộ sống tại khu vực vùng sâu vùng xa có chi phí cao trong vận chuyển nguyên vật liệu; hỗ trợ 50 triệu đồng đối với các gia đình thuộc diện hộ nghèo. Dự kiến, đến 30/11/2022 sẽ hoàn thành mục tiêu và bàn giao nhà cho đối tượng thụ hưởng ổn định cuộc sống trong mùa đông giá lạnh.
Một trong những giải pháp quan trọng được tỉnh chú trọng thực hiện trong thời gian qua là việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm nhằm giúp người nghèo có thu nhập ổn định vươn lên thoát nghèo. Các nghề đào tạo phổ biến là lái xe cơ giới đường bộ; vận hành máy thi công nền; kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho trâu, bò; kỹ thuật trồng nấm... Ngoài duy trì việc làm thường xuyên, toàn tỉnh có hàng nghìn người lao động được giải quyết việc làm mới thông qua Quỹ quốc gia về việc làm, cung ứng cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh, xuất khẩu lao động và thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó góp phần tạo việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho người lao động.
Ðối với hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng xã hội khác được cấp thẻ bảo hiểm y tế; hỗ trợ chi phí học tập, tiền ăn trưa cho trẻ mầm non, hỗ trợ học sinh bán trú, học sinh dân tộc ít người... Việc chi trả trợ cấp, chế độ chính sách cho người có công với cách mạng và các đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời; công tác chăm sóc sức khỏe cho đối tượng người có công, trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật được các cấp nỗ lực thực hiện.
Phát huy tinh thần “nhường cơm sẻ áo” của toàn dân, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp tỉnh Ðiện Biên đã nhận được sự chung tay đóng góp, ủng hộ của nhiều tập thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Trong 1 năm qua (từ tháng 10/2021 đến 30/9/2022), Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh đã tiếp nhận số tiền ủng hộ hơn 128 tỷ đồng. Nhờ sự chung tay đóng góp đó, tỉnh ta đã có thêm nguồn lực để triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ người nghèo như: Xây dựng, sửa chữa nhà ở; hỗ trợ làm nhà vệ sinh; hỗ trợ sinh kế; tặng quà, trợ giúp người nghèo khám chữa bệnh tại cơ sở y tế... Hưởng ứng Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2022, đã có 126 tập thể, cá nhân đăng ký ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh với số tiền 5,7 tỷ đồng. Trong đó, nhiều đơn vị ủng hộ với số tiền lớn như: TP. Ðiện Biên Phủ (1 tỷ đồng), huyện Ðiện Biên (800 triệu đồng), Sở Y tế (642 triệu đồng), Sở Giáo dục và Ðào tạo (500 triệu đồng)...
Ông Lò Văn Mừng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ðiện Biên khẳng định: Ðảm bảo an sinh xã hội là chính sách cơ bản để giảm nghèo, bảo đảm đời sống của nhân dân, từ đó góp phần quan trọng tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, thực hiện công bằng, tạo sự đồng thuận xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Những năm qua, nhờ thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của hộ nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội trên địa bàn tỉnh đã từng bước được cải thiện, nâng cao, góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo.