ĐBP - Với sức trẻ nhiệt huyết, sáng tạo, tiên phong và tích cực học hỏi, ĐVTN tỉnh ta đã và đang góp sức quan trọng trong xây dựng NTM. Đó có thể là người thủ lĩnh đoàn năng động, xung kích, là người đoàn viên không ngại khó huy động, đóng góp kinh phí, xắn tay làm đường bê tông nội bản; hay đơn giản là anh thanh niên cần cù, ham học hỏi phát triển kinh tế gia đình...
Đến xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo, hỏi chàng trai trẻ Nguyễn Khang Dũng (người bản Ta Cơn, hiện là thủ quỹ xã) ai cũng biết và quý trọng. Bởi người thanh niên này đã góp sức quan trọng giúp thay đổi hạ tầng giao thông tại địa bàn, biến những đoạn đường lầy lội, trơn trượt mùa mưa, bụi mù mịt vào mùa khô thành đường bê tông kiên cố, sạch sẽ, mang tên “con đường nhân ái”. Chiềng Sinh đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới, từ năm 2019 đến nay, 10 “con đường nhân ái” với chiều dài gần 4km, chiều rộng trung bình 2 - 3,6m, tổng trị giá khoảng 2 tỷ đồng đã hoàn thành, làm thay đổi diện mạo địa phương. Mới đây anh Dũng đã huy động kinh phí và hỗ trợ triển khai khởi công “con đường nhân ái” số 11.
Anh Dũng chia sẻ: Thông qua zalo, facebook tôi kết nối, kêu gọi các tổ chức, mạnh thường quân trên khắp mọi miền Tổ quốc hỗ trợ, giúp đỡ bà con trên địa bàn làm đường giao thông với sự giám sát của Đảng ủy, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã. Từ nguồn kinh phí đó, người dân đóng góp, hiến đất và trực tiếp thi công với sự ủng hộ, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương. Có chuyên môn về xây dựng nên anh Dũng cũng tham gia đo đạc, hướng dẫn, theo sát người dân hoàn thiện các tuyến đường đảm bảo thẩm mỹ và chất lượng cao. Ngoài ra anh Dũng cũng kêu gọi được hơn 70 nghìn cây xanh hỗ trợ bà con trồng rừng.
Nhận xét về anh Nguyễn Khang Dũng, ông Trần Hiến Giang - Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Sinh cho biết: “Đồng chí Dũng đã phát huy trách nhiệm, nỗ lực, nhiệt huyết kêu gọi được nguồn vốn hỗ trợ làm nhiều con đường kiên cố cho người dân không chỉ bản Ta Cơn - nơi Dũng sinh sống mà còn các bản khác trong xã. Từ đó việc bê tông hóa đường nội bản đã lan tỏa thành phong trào được hưởng ứng mạnh mẽ trên địa bàn, và “con đường nhân ái” trở thành mô hình để xã tiếp tục phát huy, triển khai, góp phần quan trọng hoàn thiện tiêu chí về giao thông nông thôn trong xây dựng nông thôn mới”.
Khác Nguyễn Khang Dũng, thanh niên Lò Văn Nước trăn trở về việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại quê hương xã Nà Tấu, TP. Điện Biên Phủ. Nơi đây nổi tiếng với nghề chế biến củ dong riềng nhưng gắn với vấn đề “nóng” bã thải gây ô nhiễm. Được biết, trên địa bàn xã Nà Tấu hiện có 8 cơ sở chế biến dong riềng. Một cơ sở hoạt động hết công suất cả ngày và đêm có thể tạo ra gần 100 tấn bã thải. Mùa thu hoạch kéo dài hơn 2 tháng, các cơ sở thải ra hàng nghìn tấn bã dong riềng. Từ thực trạng đó, từ đầu năm 2021, anh Lò Văn Nước với vai trò Bí thư Chi đoàn bản Xôm, xã Nà Tấu đã tiên phong nghiên cứu, học hỏi cách ủ bã dong riềng làm phân vi sinh.
Sau một thời gian thử nghiệm, anh Nước lựa chọn cách ủ phủ bạt kết hợp men vi sinh, chế phẩm sinh học, mật đường tự nhiên tạo phân vi sinh. Thời gian ủ theo phương pháp này kéo dài 3 tháng. Kết quả cho ra loại phân vi sinh có màu đen, tơi, ráo, không dính tay, không có mùi hôi (không gây ô nhiễm không khí). 40 khối bã dong riềng có thể cho thu 2 - 3 tấn phân vi sinh. Vụ dong riềng năm 2021 - 2022, anh đã thu và ủ 100 khối bã dong riềng, đến nay đã bán được 70% số phân vi sinh làm ra, với giá 1.500 đồng/kg. Anh Nước cho biết: “Sau khi có thành phẩm, phân vi sinh từ bã dong riềng đã được bón thử nghiệm cho ruộng, vườn của gia đình tôi và nhiều hộ tại địa bàn để làm minh chứng cho mọi người mạnh dạn dùng thử. Qua đó nhận thấy cây trồng được chăm bón bằng phân vi sinh từ bã dong riềng lên rất tốt, cứng cáp, ít sâu bệnh. Đối với rau màu vẫn giữ được vị ngon, đậm của nông sản; lúa, ngô thì vẫn năng suất, chất lượng”.
Vụ thu hoạch dong riềng 2022 - 2023 đã vào đầu vụ, anh Nước dự kiến tiếp tục thực hiện ủ bã làm phân vi sinh sau khi tìm được địa điểm, mặt bằng rộng hơn để triển khai mô hình. Số bã thải được xử lý theo mô hình ủ làm phân vi sinh do Bí thư Chi đoàn Lò Văn Nước thực hiện năm vừa qua đã mở hướng đi mới, vừa xử lý được tồn đọng bã thải, góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường đang “nóng” của địa phương, vừa làm thay đổi tư duy của người dân từ sử dụng phân hóa học sang phân hữu cơ bền vững, tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch và chất lượng. Đồng thời khơi dậy tinh thần khởi nghiệp từ chính thực tế sẵn có của địa phương.