Người dân vùng tái định cư còn khó khăn

08:14 - Thứ Sáu, 28/10/2022 Lượt xem: 6325 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên, hàng trăm hộ dân ở phường Thanh Trường (TP. Điện Biên Phủ) phải di chuyển về nơi ở mới tại các khu tái định cư (TĐC). Tại đây, cơ sở hạ tầng khang trang, giao thông, trường học thuận tiện, điện chiếu sáng và nước sạch được đầu tư đầy đủ. Song, hơn 1 năm TĐC, cuộc sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn.

Một góc khu tái định cư số 1, phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ.

Thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên, các hộ dân thuộc vùng dự án đã bị thu hồi hết đất ở và đất sản xuất. Do đó, khi bắt đầu cuộc sống mới tại các khu TĐC, phần lớn các hộ dân đều gặp khó khăn trong chuyển đổi ngành nghề, thiếu tư liệu sản xuất.

Buổi chiều tại khu TĐC số 3, tổ 5 phường Thanh Trường, mặc dù những ngôi nhà mới đã được xây dựng khang trang, san sát song khá vắng vẻ. Tìm hiểu được biết, các hộ dân không có tư liệu sản xuất tại chỗ nên một số hộ còn ít đất sản xuất ở nơi ở cũ thì quay lại sản xuất; một số hộ khác phải chuyển đổi ngành nghề để tạo thu nhập phục vụ cuộc sống.

Bà Mai Thị Tân, người dân khu TĐC số 3 cho biết: Ở nơi cũ, gia đình tôi có hơn 400m2 đất sản xuất. Hai vợ chồng quanh năm trồng rau, chăn nuôi lợn, gà, đủ ăn đủ tiêu. Giờ về nơi ở mới, tiền đền bù giải phóng mặt bằng chỉ đủ xây dựng nhà, không còn đất sản xuất nên thu nhập của gia đình không ổn định như trước. Hiện nay, diện tích tại nơi ở cũ không bị thu hồi còn khoảng 100m2, tôi quay lại làm chuồng nuôi gà. Tại nơi ở mới, tranh thủ các ô đất bên cạnh nhà chưa xây dựng, tôi tận dụng trồng mấy luống rau xanh vừa phục vụ gia đình vừa mang ra chợ bán tăng thu nhập.

Tại khu vực TĐC số 1, hiện nay nhiều hộ gia đình không còn đất sản xuất, không có giải pháp chuyển đổi ngành nghề cũng phải quay về nơi ở cũ thuê đất sản xuất của người dân sở tại để canh tác. Trước đây, người dân chỉ phải đi 200 - 300m là đến khu vực sản xuất nhưng nay khoảng cách từ nhà đến khu sản xuất đã tăng lên gấp 10 lần.

Ông Vũ Văn Thử, khu TĐC số 1 cho biết: Ở nơi cũ, gia đình tôi có 1.000m2 ruộng 2 vụ, hơn 1.000m2 ruộng 1 vụ trồng rau màu các loại và diện tích vườn đủ rộng để chăn nuôi. Đến nơi ở mới, tiền bồi thường sử dụng hết vào việc xây nhà, tôi cũng phải loay hoay một thời gian tìm kế sinh nhai. Xác định bản thân là nông dân thì không thể xa rời được đồng ruộng, thời gian đầu tôi đã quay lại nơi ở cũ thuê ruộng, vườn sản xuất nhưng không thuê được. Sau đó, tôi vào các bản lân cận khu TĐC như: Che Phai, bản Mớ (phường Thanh Trường)... tìm thuê ruộng. May mắn là vừa qua tôi đã thuê lại được 1.000m2 ruộng của người dân bản Che Phai để sản xuất.

Không chỉ thiếu tư liệu sản xuất, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được người dân các khu TĐC đánh giá không bằng nơi ở cũ. Hiện nay, các khu TĐC đã được đầu tư xây dựng nhà văn hóa (khu TĐC số 1 xây dựng 2 nhà văn hóa), tuy nhiên, các nhà văn hóa đều có diện tích nhỏ, sân hẹp, không đủ không gian tổ chức các hoạt động thể thao.

Bà Mai Thị Tân, người dân khu TĐC số 3 cho biết: Cuối buổi chiều, nhu cầu tập thể dục, thể thao của người dân rất lớn. Trước đây, ở nơi cũ, sân nhà văn hóa rộng có thể bố trí cả sân bóng chuyền hơi, bóng chuyền da và cầu lông. Người dân tập trung rất đông để chơi thể thao. Nhưng ở đây không có sân tập nên người dân đã tận dụng và cải tạo 2 ô đất chưa xây dựng nhà thành sân bóng chuyền hơi.

Hiện nay, một số khu TĐC chưa được thành lập tổ dân phố mới, do đó nhiều hoạt động, sinh hoạt của người dân và công tác quản lý dân cư của tổ dân phố gặp một số bất cập. Đơn cử như khu TĐC số 1, dù đã di chuyển về khu vực thuộc tổ dân phố 9 (phường Thanh Trường) hơn 1 năm nay nhưng các hộ dân ở đây không được sáp nhập vào tổ dân phố 9 và cũng chưa được thành lập tổ dân phố mới, gây khó khăn công tác quản lý và sinh hoạt của người dân..

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND phường Thanh Trường cho biết: Để giúp người dân TĐC về sinh kế, chính quyền địa phương tích cực động viên người trong độ tuổi lao động đi làm tại các công ty, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh; phát triển các mô hình dịch vụ - thương mại. Những hộ gia đình có nguyện vọng vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, chính quyền địa phương phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vay vốn, đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Bên cạnh đó, từ kiến nghị của chính quyền cơ sở, UBND TP. Điện Biên Phủ có những chính sách, chương trình hỗ trợ riêng cho các hộ dân thuộc diện thu hồi đất phục vụ Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên. Đối với việc thành lập mới tổ dân phố, bản tại các khu TĐC, ngày 10/9/2022, UBND TP. Điện Biên Phủ đã ban hành Quyết định số 2345/QĐ-UBND về việc sáp nhập, ghép các tổ dân phố trên địa bàn phường. Theo đó, điểm TĐC số 3 và các hộ còn lại của cụm dân cư Thanh Đông sáp nhập vào tổ dân phố 5; điểm TĐC số 3 và C13 mở rộng sáp nhập vào tổ dân phố 10 (phường Thanh Trường). Việc thành lập tổ dân phố mới đối với khu TĐC số 1, UBND thành phố đã trình UBND tỉnh, tuy nhiên việc này thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh do đó phải đợi HĐND tỉnh họp, quyết định. Trong thời gian chờ đợi, các hoạt động của điểm TĐC số 1 đã được UBND phường sắp xếp. Cụ thể, tại điểm TĐC số 1 có 2 đồng chí trưởng phố 1 và phố 2 về tái định cư tại đó, UBND phường giao nhiệm vụ cho 2 đồng chí này chịu trách nhiệm tổ chức các hoạt động của điểm TĐC số 1. Đối với vấn đề thiếu sân chơi, thể dục thể thao, UBND phường sẽ tiếp tục kiến nghị UBND thành phố quan tâm đầu tư trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top