ĐBP - Để thuận lợi cho việc đi học, nhiều gia đình đã đầu tư mua xe máy điện cho con em mình tự đến trường. Việc làm này góp phần giảm bớt gánh nặng đưa đón con của các bậc phụ huynh, song việc sử dụng xe máy điện cũng tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông (TNGT) khá cao khi các em tuổi nhỏ, kiến thức về luật lệ giao thông và việc chấp hành các quy định về an toàn giao thông chưa chặt chẽ.
Vào giờ tan học, không khó để bắt gặp các em học sinh THPT, THCS điều khiển xe máy điện lưu thông trên các tuyến đường thành phố Điện Biên Phủ. Do dễ sử dụng và không cần bằng lái nên xe máy điện được nhiều phụ huynh học sinh lựa chọn là phương tiện cho con em mình đến trường. Tuy nhiên, việc học sinh, nhất là độ tuổi dưới 16 điều khiển xe máy điện đi học đang đặt ra nhiều vấn đề về an toàn giao thông. Chị Trần Thị Tiệp, phường Thanh Trường (TP. Điện Biên Phủ) chia sẻ: “Xe máy điện khá nhỏ gọn và dễ điều khiển nên được học sinh bậc THCS, THPT ưa thích. Tuy nhiên, loại xe này không có tiếng nổ như xe máy khiến người khác không thể phát hiện khi đến gần; điều đó làm cho các phương tiện khác rất dễ va chạm với xe máy điện. Nhất là thời điểm tờ mờ tối, tầm nhìn hạn chế, các em điều khiển xe máy điện với tốc độ cao lại càng dễ xảy ra TNGT hơn…”.
Cùng quan điểm với chị Tiệp, bà Trần Thị Thu, phường Tân Thanh (TP. Điện Biên Phủ) bày tỏ: “Nhiều cháu đi học cách xa nhà nên được phụ huynh đầu tư mua cho xe máy điện để việc đến trường đỡ vất vả. Thế nhưng, với lứa tuổi học sinh THCS chưa có bằng lái xe, chưa đủ tuổi sử dụng và hơn thế là ý thức khi sử dụng phương tiện tham gia giao thông, kỹ năng điều khiển phương tiện còn hạn chế là nguyên nhân dẫn đến TNGT. Nếu cấm các cháu đi xe máy điện đến trường cũng khó vì nhiều cháu nhà cách xa trường không thể đạp xe đạp đi học và phụ huynh cũng bận rộn không có điều kiện đưa đón. Vậy nên, trước mắt, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng tham gia giao thông cho các cháu khi điều khiển xe máy điện rất cần thiết…”.
Là trường liên cấp THCS và THPT, năm học 2022 - 2023, Trường THPT Lương Thế Vinh có hơn 400 học sinh khối THCS. Do nhà xa trường nên nhiều bậc phụ huynh đã đầu tư xe máy điện cho con em mình tự đi đến trường. Chia sẻ về vấn đề này, thầy giáo Hoàng Văn Thông, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh cho biết: Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã phối hợp với lực lượng CSGT tuyên truyền tới học sinh các quy định về lứa tuổi điều khiển phương tiện giao thông, đặc biệt là xe máy điện. Lồng ghép với cuộc họp phụ huynh đầu năm, giáo viên đã trao đổi và thống nhất với cha mẹ học sinh nhằm hạn chế tối đa việc cho con em mình sử dụng phương tiện không phù hợp với độ tuổi tới trường. Đồng thời, nhà trường tăng cường rà soát, nhắc nhở các trường hợp chưa chấp hành quy định, chưa đủ tuổi điều khiển xe máy điện khi đến trường. Tuy nhiên, vẫn còn một số học sinh điều khiển xe máy điện đi học, bởi hiện nay nhiều gia đình muốn đầu tư một lần và mua xe máy điện cho các em đi học thay vì xe đạp điện. Điều đó khiến nhà trường rất khó xử lý, ngăn chặn học sinh THCS đi xe máy điện đến trường… Để giảm tình trạng vi phạm quy định về an toàn giao thông, nhà trường đã và đang tập trung tuyên truyền, vận động học sinh cũng như phụ huynh học sinh hạn chế cho các em chưa đủ tuổi sử dụng xe máy điện làm phương tiện đến trường.
Không chỉ Trường THPT Lương Thế Vinh mà nhiều trường THCS trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ nói riêng và toàn tỉnh nói chung đã tăng cường các giải pháp tuyên truyền, vận động để hạn chế việc học sinh THCS điều khiển xe máy điện đến trường.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh), toàn tỉnh hiện có 8.333 xe máy điện đăng ký; riêng từ đầu năm 2022 đến nay có 488 xe máy điện đã đăng ký. Thực tế, xe máy điện là phương tiện không có tiếng động cơ, nên người điều khiển phương tiện khác khó phát hiện có xe đến gần. Trong khi đó loại phương tiện này không yêu cầu người điều khiển phải có giấy phép lái xe, cùng với việc khả năng nhận biết đánh giá, xử lý các tình huống xảy ra khi tham gia giao thông của các em học sinh còn hạn chế nên rất dễ xảy ra TNGT. Để nâng cao ý thức chấp hành an toàn giao thông cho học sinh, hạn chế các vụ TNGT liên quan đến xe máy điện, cơ quan chức năng đã tăng cường phối hợp với các nhà trường, phòng giáo dục các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức.
Thượng tá Nguyễn Đình Quân, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) cho biết: Vào đầu năm học, lực lượng CSGT toàn tỉnh đồng loạt đến tất cả các trường có học sinh từ THCS trở lên, phối hợp với nhà trường tuyên truyền kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông cho học sinh. Toàn tỉnh đã tổ chức 167 buổi với 81.688 giáo viên và học sinh tham gia nghe, học các quy định của pháp luật về TTATGT. Cùng với tuyên truyền, CSGT trình chiếu hình ảnh về Luật Giao thông đường bộ, các vụ TNGT để học sinh quan sát; lồng ghép các trò chơi, tiểu phẩm, giao lưu, trao đổi trực tiếp để các em nhận thức sâu sắc hơn về mức độ nguy hiểm của các vụ TNGT liên quan đến xe máy điện nói riêng và các phương tiện giao thông nói chung. Đơn vị còn xây dựng 25 phóng sự, tin bài tuyên truyền, đăng 126 bài viết trên trang fanpage “An toàn giao thông Điện Biên”, thu hút 29.915 lượt tương tác… Việc đẩy mạnh tuyên truyền đã tạo ra động thái rất tích cực, góp phần hạn chế học sinh chưa đủ 16 tuổi điều khiển xe máy điện đi học.
Không phủ nhận lợi ích của xe máy điện đối với học sinh, các bậc phụ huynh trong việc đưa đón, song đây cũng là loại phương tiện tiềm ẩn nguy cơ TNGT. Để góp phần đảm bảo an toàn cho các em khi tham gia giao thông bằng xe máy điện, ngoài nỗ lực của các cơ quan chức năng rất cần sự tham gia của toàn xã hội. Đặc biệt là các bậc phụ huynh, thầy, cô giáo và nhà trường cần thường xuyên quan tâm, nhắc nhở con em chấp hành nghiêm các quy định, luôn đội mũ bảo hiểm, không phóng nhanh, vượt ẩu, đi dàn hàng ngang, chú ý quan sát khi rẽ trái, rẽ phải… để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người khi tham gia giao thông.