Cần mở rộng, đổi mới phương thức thực hiện chính sách xã hội

16:10 - Thứ Tư, 09/11/2022 Lượt xem: 5029 In bài viết

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu trong thời gian tới cần mở rộng và đổi mới về phương thức thực hiện chính sách xã hội, như: đối với công tác đền ơn đáp nghĩa cần chú ý hơn đến yếu tố tôn vinh người có công với cách mạng…

Văn phòng Chính phủ vừa phát hành Thông báo số 346/TB-VPCP ngày 8/11/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Phiên họp lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về một số chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020 (Ban Chỉ đạo).

 Ảnh minh họa. Nguồn: ITN

Tại Thông báo trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo có ý kiến: Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về một số chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 cần xác định rõ các thành tựu, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; đánh giá thêm các mục tiêu định tính ở thời điểm trước và sau khi có Nghị quyết; tập trung phân tích rõ những thách thức và yêu cầu đặt ra trong giai đoạn tới, các vấn đề xã hội liên quan đến định hướng phát triển bền vững, bao trùm, toàn diện, nguyên nhân của những chỉ tiêu chưa đạt; bổ sung các phụ lục để so sánh những kết quả đạt được về chính sách xã hội của Việt Nam với các nước có cùng trình độ phát triển.

Việc xây dựng chính sách xã hội trong giai đoạn tới cần đặt trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các thách thức, tác động của già hóa dân số, thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu, cũng như các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống khác. Các nhóm mục tiêu, tiêu chí phát triển bền vững cần được đưa vào trong các chính sách xã hội giai đoạn sắp tới theo Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững và Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030.

Phó Thủ tướng lưu ý cần quan tâm mở rộng và có sự đổi mới về phương thức thực hiện chính sách xã hội, như: Đối với công tác đền ơn đáp nghĩa cần chú ý hơn đến yếu tố tôn vinh người có công với cách mạng; đối với các nhóm bảo trợ xã hội cần lưu ý trợ giúp nhiều hơn cho nhóm di dân, những người bị tổn thương về tinh thần, tâm lý; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội và phát triển nghề công tác xã hội khi Việt Nam bước vào giai đoạn dân số già.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tiếp tục phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản tổ chức nghiên cứu một số chuyên đề quan trọng, một số vấn đề xã hội mới phục vụ công tác tổng kết.

Nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo, hoàn thiện Báo cáo tổng kết, dự thảo Tờ trình, dự thảo Nghị quyết về chính sách xã hội giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn và định hướng đến năm 2045 bảo đảm toàn diện, khách quan, khoa học, trình Ban cán sự đảng Chính phủ trong tháng 12 năm 2022.

Đồng thời, chịu trách nhiệm chỉ đạo tiếp thu các ý kiến hoàn thiện Báo cáo Tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 khoá XI, hồ sơ trình Nghị quyết về chính sách xã hội giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; thừa ủy quyền ký các văn bản liên quan trình Ban Cán sự đảng Chính phủ cho ý kiến để hoàn thiện, trình Bộ Chính trị xem xét trước khi trình Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khoá XIII.

Hệ thống chính sách xã hội cơ bản đảm bảo công bằng, toàn diện

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa XI đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân về chính sách xã hội có chuyển biến rõ rệt. Hệ thống chính sách xã hội cơ bản đảm bảo công bằng, toàn diện, bao trùm, tiệm cận được các tiêu chí quốc tế, đảm bảo quyền an sinh của người dân, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị và trật tự xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết với điểm sáng trong lĩnh vực người có công, giảm nghèo và an sinh xã hội.

Đối tượng người có công được mở rộng; mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công được điều chỉnh hàng năm; đã cơ bản giải quyết hồ sơ đề nghị công nhận người có công còn tồn đọng vào năm 2020. Đến nay, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, trong đó có trên 1,2 triệu người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng. Giai đoạn 2013- 2019, đã cơ bản hoàn thành hỗ trợ dứt điểm nhà ở (đạt tỷ lệ 96,7% so với kế hoạch). Công tác chăm lo đời sống gia đình người có công và làm tốt công tác thương binh liệt sỹ đã thu hút được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đến năm 2020, đảm bảo 99,5% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư trên địa bàn cư trú; 99% xã phường làm tốt công tác thương binh liệt sỹ.

Về chính sách việc làm, thu nhập và giảm nghèo, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều chương trình và giải pháp tạo việc làm đồng bộ, tích cực và hiệu quả. Hằng năm, đã giải quyết việc làm cho 1,5-1,6 triệu lao động, tỉ lệ thất nghiệp duy trì ổn định mức dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp dưới 4%. Giai đoạn 2010-2021, tăng trưởng kinh tế đã thúc đẩy việc làm và cải thiện thu nhập của hộ gia đình Việt Nam, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thông được thu hẹp.

Bảo hiểm xã hội từng bước phát huy và khẳng định vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Diện bao phủ bảo hiểm xã hội ngày càng mở rộng, đạt 16,2 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội năm 2020. Dù dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nhưng tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội vẫn tiếp tục tăng, đạt 16,6 triệu người năm 2021, ước tính đạt 19 triệu người năm 2022.

Theo ĐCSVN
Bình luận

Tin khác

Back To Top