Bất cập ở Pa Pe

09:25 - Thứ Bảy, 12/11/2022 Lượt xem: 6589 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Nghị quyết 815/NQ-UBTVQH14 ngày 21/11/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Điện Biên, bản Pa Pe, xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên) được điều chỉnh, sáp nhập về phường Nam Thanh (TP. Điện Biên Phủ). Tuy nhiên, hơn 2 năm sau khi sáp nhập về phường Nam Thanh, đến nay 103 hộ cụm dân cư Pa Pe vẫn chưa được thành lập bản mới, nảy sinh nhiều bất cập về tổ chức và đời sống sinh hoạt của người dân.

Tên gọi Cụm dân cư Pa Pe không được người dân Pa Pe đồng tình.

Sau khi điều chỉnh bản Pa Pe về phường Nam Thanh (đầu năm 2020), UBND phường Nam Thanh đã tổ chức họp lấy ý kiến người dân cụm Pa Pe. Nguyện vọng của người dân mong muốn được thành lập bản mới và giữ nguyên tên gọi cũ bản Pa Pe. UBND phường Nam Thanh đã lập tờ trình xin chủ trương thành lập mới bản Pa Pe. Mặc dù đã kiến nghị nhiều lần, nhưng đến nay cụm dân cư Pa Pe vẫn chưa được thành lập bản mới. Lý do được cơ quan chức năng trả lời là theo quy định của Thông tư 14/2018/TT-BNV ngày 3/12/2018 của Bộ Nội vụ quy định điều kiện để thành lập thôn mới thì: “Thôn ở xã thuộc các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc có từ 150 hộ gia đình trở lên”. Trong khi đó cụm dân cư Pa Pe hiện nay chỉ có 103 hộ gia đình (thời điểm điều chỉnh 88 hộ với 277 nhân khẩu).

Trước tình hình trên, UBND phường Nam Thanh đã khảo sát, xem xét các phương án sắp xếp khác, tuy nhiên đều không phù hợp. Cụ thể, phương án ghép cụm Pa Pe vào bản Noong Chứn (phường Nam Thanh), song về vị trí địa lý, giao thông không thuận lợi, ngăn cách bởi sông Nậm Rốm. Phương án ghép với tổ dân phố 7 cũng khó thực hiện do số hộ sở tại đã rất đông (309 hộ, 1.077 nhân khẩu). Mặt khác, tổ dân phố 7 chủ yếu là người dân tộc Kinh, còn Pa Pe chủ yếu dân tộc Thái, hai bên có truyền thống văn hóa, phong tục tập quán khác nhau.

Theo ông Lường Văn Toản, Chủ tịch UBND phường Nam Thanh, việc thành lập mới bản Pa Pe sẽ thuận lợi trong công tác quản lý, phù hợp với phong tục tập quán, nguyện vọng của người dân. Bên cạnh đó, người dân cụm Pa Pe chủ yếu là người dân tộc Thái, có phong tục tập quán riêng, chủ yếu sản xuất nông nghiệp nên không phù hợp ghép với tổ dân phố liền kề của phường Nam Thanh. Trong khi đó, diện tích tự nhiên cụm dân cư Pa Pe hiện có khoảng 20ha, tổng số 216 ô đất, trong đó có 103 ô đã có nhà ở riêng lẻ, còn lại là quỹ đất trống; ngoài ra có nhiều hộ dân sinh sống cùng nhiều thế hệ trong một hộ gia đình nên lâu dài sẽ đảm bảo quy mô về số hộ theo quy định.

Do chưa được thành lập bản mới, chưa có tên gọi chính thức đã phát sinh nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ. Thời gian qua, UBND phường Nam Thanh gặp nhiều khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành. Người dân cụm Pa Pe cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính, bởi chưa được thành lập bản nên chưa có ban lãnh đạo để điều hành, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ. Ví như thực hiện bình xét gia đình văn hóa tại cụm Pa Pe vừa qua, do không có ban lãnh đạo (bí thư, trưởng bản, trưởng ban công tác mặt trận) nên cán bộ UBND phường phải trực tiếp xuống khảo sát, thực hiện bình xét.

Thời gian đầu khi mới sáp nhập, UBND phường Nam Thanh vẫn giữ nguyên các chức danh ban lãnh đạo cũ của bản Pa Pe trước đây (gồm bí thư chi bộ, trưởng bản, trưởng ban công tác mặt trận bản) và chi trả phụ cấp hàng tháng theo quy định. Hiện nay do chưa được công nhận bản nên việc chi trả phụ cấp không đúng quy định nên phải tạm dừng. Để giúp chính quyền địa phương nắm bắt các thông tin trên địa bàn, UBND phường Nam Thanh đã ra Thông báo 08/TB-UBND ngày 19/1/2022 về việc giao nhiệm vụ phụ trách quản lý cụm dân cư Pa Pe, với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng cho cụm trưởng.

Ông Lò Văn Thân, cụm trưởng cụm dân cư Pa Pe chia sẻ: Bản Pa Pe được thành lập từ những năm 40 của thế kỷ trước, đến đầu năm 2020 được điều chỉnh, sáp nhập về phường Nam Thanh. Chủ trương sáp nhập địa giới hành chính, dân bản đồng thuận, ủng hộ nhưng đến nay chưa được thành lập bản mới. Năm 2021 khi chính quyền địa phương thông báo không đủ điều kiện thành lập bản do không đủ số hộ, nhiều người tư tưởng hoang mang, chán nản. Đặc biệt, vừa qua cơ quan chức năng cắm biển tên gọi “Cụm dân cư Pa Pe”, người dân rất bức xúc, các cụ già phật lòng vì tên bản đã đặt từ xa xưa đến nay lại xóa tên bản đặt thành cụm dân cư.

Cùng với đó, nhiều quy ước hương ước trước đây của bản giờ không duy trì, không thực hiện được. Đơn cử dịp Tết Trung thu vừa qua, không có ban lãnh đạo, hội, đoàn thể nên không tổ chức trung thu cho các cháu thiếu nhi trong cụm. Trong việc ma chay, hiếu, cưới xin, theo phong tục, hương ước của bản Pa Pe cũ, trước đây trong bản có người chết thì mỗi hộ gia đình góp 100 nghìn đồng và tập trung tổ chức, mua sắm chuẩn bị lễ vật, tiễn đưa người đã khuất. Tuy nhiên, trong thời gian qua việc thực hiện quy ước trên không còn được duy trì, nhiều hộ không tham gia đóng góp...

Đối với ông Lò Văn Thân, hiện nay UBND phường chỉ hợp đồng nhiệm vụ cụm trưởng, trong khi rất nhiều việc, từ chi bộ, mặt trận, đoàn thể, tổ hòa giải, an ninh... thậm chí cả công việc kế hoạch hóa gia đình. Trong khi đó, mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng không đủ tiền công, chi phí đi lại, xăng xe. Chưa kể, do không phải là trưởng bản nên nói nhiều người không nghe, mời đến họp không đi; thậm chí khi thu các khoản đóng góp, có trường hợp gặp đến 3 lần vẫn không thu được.

Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top