Nâng cao chất lượng lao động nông thôn

07:45 - Thứ Hai, 14/11/2022 Lượt xem: 4868 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 5/11/2012 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn”, những năm qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể quán triệt đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động; cụ thể hóa chủ trương vào kế hoạch hàng năm, đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đến các đơn vị, địa phương, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Triển khai thực hiện, hàng năm các sở, ngành khảo sát, bổ sung danh mục đào tạo theo nhu cầu thực tế của lao động nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, của doanh nghiệp và năng lực đào tạo của cơ sở dạy nghề để xây dựng kế hoạch phù hợp với việc dạy nghề. Việc xác định danh mục nghề đào tạo, nhu cầu học nghề, nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, doanh nghiệp được khảo sát trực tiếp người lao động từ cấp xã, cấp huyện tổng hợp trình tỉnh xem xét, quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch năm. Từ đó nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và người dân về vai trò và tầm quan trọng của công tác dạy nghề; nâng cao chất lượng lao động nông thôn, tăng thu nhập và tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Nhờ được hướng dẫn, đào tạo nghề, chị Nguyễn Thị Loan, thôn C2, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên đã trồng thành công nấm linh chi, mang lại giá trị kinh tế cao. Trong ảnh: Chị Nguyễn Thị Loan kiểm tra nấm linh chi của gia đình.

Giai đoạn 2012 - 2022, bình quân mỗi năm tỉnh ta tuyển sinh đào tạo nghề cho 8.150 lao động nông thôn, trong đó lực lượng thanh niên chiếm khoảng 80%. Số thanh niên lao động nông thôn học nghề chủ yếu là người dân tộc thiểu số, thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Thông qua học nghề đã giúp lao động có chuyên môn kỹ thuật, áp dụng những kiến thức đã học vào sản xuất để phát triển kinh tế, tự tạo việc làm tại chỗ; một số đi xuất khẩu lao động, làm việc tại các khu công nghiệp ngoài tỉnh; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động ở địa phương; số lao động được giải quyết việc làm tăng lên hàng năm.

Công tác dạy nghề cho nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp cũng được các cấp ngành thường xuyên triển khai thực hiện nhằm cung cấp các kiến thức, kỹ năng, trình độ chuyên môn, giảm tỷ lệ hộ nghèo do không có kiến thức về sản xuất và kỹ năng lao động sản xuất; cải thiện đời sống cho lao động nông thôn. Trong 10 năm, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho trên 41.600 lao động là nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, trong đó giới thiệu và tạo việc làm cho trên 80% nông dân tham gia học nghề. Qua đào tạo, người nông dân đã nâng cao trình độ, biết áp dụng các tiến bộ khoa học vào trồng trọt, chăn nuôi, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình, góp phần thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Trong giai đoạn 2012 - 2022, toàn tỉnh có 81.562 lao động được học nghề (bình quân 8.150 người/năm). Trong đó số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo Đề án 1956 là 53.793 người; số người có việc làm sau khi học nghề là 40.720 người, đạt 75,70%. Một số mô hình đào tạo nghề thí điểm, như: Trồng và chế biến cà phê, kỹ thuật chăn nuôi lợn, gà đồi, vườn; vận hành máy thi công nền... tỷ lệ có việc làm sau khi học đạt từ 90% - 95%. Giai đoạn từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 33.916 người, trong đó lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo chính sách là 20.990 người. Công tác đào tạo nghề không chỉ giúp người tham gia học nghề có thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống mà còn góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết xã hội của lao động khu vực nông thôn; góp phần tích cực thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Tú Trinh
Bình luận

Tin khác

Back To Top