Nậm Pồ giải quyết việc làm cho người lao động

10:13 - Thứ Tư, 16/11/2022 Lượt xem: 5169 In bài viết

ĐBP - Huyện Nậm Pồ hiện có hơn 32.700 người trong độ tuổi lao động, trong đó phần lớn lao động sản xuất nông nghiệp nên thu nhập không cao, đời sống còn nhiều khó khăn. Thời gian qua huyện Nậm Pồ đã đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm nhằm giúp lao động nông thôn trên địa bàn cải thiện, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.

Người lao động xã Nà Hỳ nghe tư vấn, giới thiệu, tìm hiểu thông tin việc làm tại Hội nghị tuyên truyền, giới thiệu việc làm do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện phối hợp tổ chức vào đầu tháng 11.

Giải quyết việc làm cho người lao động là giải pháp quan trọng hàng đầu trong đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hàng năm, huyện Nậm Pồ tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân qua các hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm, định hướng học nghề cho người lao động. Từ đầu năm đến nay, huyện đã phối hợp tổ chức 13 hội nghị tuyên truyền, giới thiệu việc làm cho gần 1.000 lao động nông thôn trên địa bàn. Gần đây nhất, đầu tháng 11 vừa qua, huyện đã phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh tổ chức 5 hội nghị tuyên truyền, tư vấn giới thiệu việc làm lưu động cho gần 300 người tại các xã: Nà Khoa, Nà Bủng, Vàng Đán, Nà Hỳ và Phìn Hồ. Người lao động được tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc làm, học nghề; được cung cấp đầy đủ thông tin về các chế độ, chính sách việc làm, thị trường xuất khẩu lao động, thị trường lao động trong nước; điều kiện tuyển chọn, làm việc, sinh hoạt và thu nhập của người lao động; các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người lao động đi làm việc trong và ngoài nước; tư vấn giúp người lao động lựa chọn công việc phù hợp ngành nghề, trình độ của bản thân… Song song với đó, huyện chủ động phối hợp với các công ty, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn huyện tuyển dụng lao động là người địa phương vào làm việc để giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân; phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh giới thiệu, thông tin về nhu cầu tuyển dụng, điều kiện làm việc, chế độ lương thưởng; trực tiếp sơ tuyển, lập danh sách lao động đăng ký tham gia làm việc.

Cùng với đó, huyện triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo trên địa bàn để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Chú trọng nâng cao trình độ, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, hàng năm huyện cũng chủ động mở các lớp đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường và nguyện vọng của người lao động. 9 tháng đầu năm, huyện đã mở được 18 lớp đào tạo nghề cho hơn 600 lao động nông thôn các xã: Nà Hỳ, Nà Khoa, Phìn Hồ, Pa Tần, Nậm Khăn, Na Cô Sa, Nậm Tin, Chà Cang, Chà Tở, Nậm Chua, Nà Bủng. Huyện cũng ký kết Quy chế phối hợp với Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Trung bình mỗi năm Trường sẽ tuyển chọn khoảng 60 lao động địa phương đi học nghề, sau khi học xong sẽ được bố trí việc làm với thu nhập bình quân khoảng 18 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, huyện còn tạo điều kiện cho người lao động được vay vốn theo chương trình cho vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư chăn nuôi, phát triển sản xuất, nâng cao nguồn thu nhập.

Ông Trần Văn Vũ, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nậm Pồ cho biết: Tính đến hết tháng 10/2022, huyện đã giải quyết việc làm mới cho gần 1.100 lao động trên địa bàn. Trong đó thông qua chương trình cho vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm là 125 người; tuyển dụng vào các cơ quan hành chính sự nghiệp, đảng, đoàn thể 82 người; tuyển dụng vào các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh 769 người; thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác và tự tạo việc làm 115 người. Đến nay, toàn huyện đã có hơn 4.000 lao động đi làm việc tại các công ty, khu công nghiệp ngoài tỉnh. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời chủ động phối hợp với các đơn vị tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động; đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động; ưu tiên vay vốn giúp người lao động giải quyết việc làm; thực hiện tốt công tác đào tạo nghề... Từ đó, giúp người lao động có việc làm ổn định để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.

Bài, ảnh: Đức Thái
Bình luận

Tin khác

Back To Top