Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và hành trình 76 năm trợ giúp nhân đạo

15:48 - Thứ Tư, 23/11/2022 Lượt xem: 2911 In bài viết

Ngày 23-11, nhân kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập (23/11/1946 - 23/11/2022), Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thông tin về những kết quả nổi bật trong hành trình trợ giúp các trường hợp khó khăn trong xã hội. 

Ở đâu người dân gặp khó, ở đó có sự trợ giúp kịp thời của các cấp Hội Chữ thập đỏ.

Theo Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, các cấp Hội cùng với chính quyền các cấp luôn quan tâm, chăm lo cho các trường hợp bị thương, bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Thời kỳ xây dựng, phát triển đất nước, các cấp Hội Chữ thập đỏ phát huy tốt vai trò của mình trong cứu trợ nhân đạo, phòng, chống thiên tai và thảm họa.

Dễ nhận thấy là những năm gần đây, khi người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, những cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ thể hiện rõ tinh thần “Nơi nào người dân cần, nơi nào lực lượng cần thì Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có mặt”. 

Nhằm trợ giúp kịp thời các trường hợp gặp khó, các cấp Hội Chữ thập đỏ không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động về mọi mặt. Hiện nay, hệ thống tổ chức của Hội tiếp tục được củng cố và duy trì ổn định ở tất cả 63/63 tỉnh, thành phố; 705 quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh; gần 12.000 xã, phường, thị trấn và tương đương. Việc thu hút, phát triển hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ được quan tâm, thực chất, tạo nên sức sống của tổ chức Hội. Dẫn chứng là, tổng trị giá hoạt động giai đoạn 2017-2022 đạt hơn 22.500 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay (gấp hơn 2,3 lần tổng trị giá hoạt động giai đoạn trước đó); thiết thực trợ giúp khoảng 18,3 triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn, người bị tổn thương mỗi năm.

Mặc dù kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực, cuộc sống của đa số người dân tốt dần lên, nhưng cả nước hiện còn hàng triệu người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin, khiến sức khỏe và đời sống của họ gặp nhiều khó khăn, cần sự trợ giúp từ nhiều phía. Hơn nữa, nhiều vùng đất đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, dẫn đến một nhóm người sống ở khu vực này trở thành đối tượng dễ bị tổn thương… 

Trước thực trạng đó, trên chặng đường phát triển tiếp theo, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cùng toàn hệ thống tập trung triển khai 2 chương trình lớn là “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” và “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật”. Cùng với đó, các cấp Hội Chữ thập đỏ quan tâm thực hiện một số dự án về môi trường, tiếp tục tìm kiếm các nguồn tài trợ trồng rừng ngập mặn, tham gia các lực lượng xã hội để thu gom rác thải, nhất là rác thải đại dương. Các cấp Hội cũng tiếp tục khuyến khích người dân có lối sống tích cực, lối tiêu dùng thân thiện hơn với môi trường để giảm thiểu rác thải…

Trước mắt, các cấp Hội phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương vận động nguồn lực cho chương trình “Sức mạnh nhân đạo” năm 2022 và “Tết nhân ái” 2023, qua đó mang đến niềm vui đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 cho ít nhất 1 triệu người gặp khó khăn.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top