Chủ động phòng, chống bệnh dại

08:25 - Thứ Sáu, 25/11/2022 Lượt xem: 4840 In bài viết

ĐBP - Tình hình mắc bệnh dại trên địa bàn tỉnh vẫn có nguy cơ cao do nhận thức của người dân về bệnh dại còn hạn chế; một số người vẫn chủ quan với bệnh dại, khi bị chó, mèo cắn không đến cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm vắc xin dại. Cùng với đó, tình trạng người dân nuôi chó, mèo thả rông nhiều, chưa có ý thức tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo.

Lực lượng chức năng tiêm vắc xin phòng dại cho chó trên địa bàn xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé.

Trong khoảng thời gian từ ngày 2 - 15/10, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong do bị chó mắc bệnh dại cắn. Điều đáng nói là nạn nhân đã chủ quan sau khi bị vật nuôi cắn đã không quan tâm xử lý vết thương, đến cơ sở y tế điều trị. Điển hình là trường hợp ông V.N.C (SN 1959, trú bản Nậm Pố 1, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé) bị chó cắn vào lòng bàn tay phải ngày 30/9. Sau khi bị chó cắn, nạn nhân không xử lý vết thương, không đến cơ sở y tế điều trị. Trong khi đó, con chó cắn nạn nhân cũng chưa được tiêm vắc xin dại hay bất kỳ vắc xin nào. Những ngày sau đó, nạn nhân có biểu hiện sốt, sợ gió, nước và đau mỏi khắp người; đến ngày 2/10 mới đến cơ sở y tế, tuy nhiên do quá muộn nên đã tử vong.

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thú y tỉnh đã tổ chức giám sát, thực hiện lấy 5 mẫu gửi xét nghiệm chó nghi mắc bệnh dại trên địa bàn tỉnh. Kết quả có 2/5 mẫu xét nghiệm dương tính tại huyện Mường Ảng và TP. Điện Biên Phủ. Song do bệnh được phát hiện, xử lý kịp thời nên không có trường hợp người tử vong do bệnh dại. Chi cục Thú y tỉnh đã tham mưu ban hành văn bản chỉ đạo công tác tiêm vắc xin dại cho toàn bộ đàn chó, mèo trên địa bàn toàn tỉnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống bệnh dại. Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thú y tỉnh đã phát 330 tờ rơi, áp phích phòng chống bệnh dại cho các huyện, thị xã, thành phố để tuyên truyền, phòng, chống dịch bệnh. Khi xuất hiện ổ dịch dại, Chi cục Thú y tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương nhanh chóng tổ chức các biện pháp phòng chống như: Lấy mẫu xác định nguyên nhân gây bệnh; điều tra tổng đàn nguy cơ; tiêu hủy động vật mắc bệnh; vệ sinh tiêu độc khử trùng.

Tính đến hết tháng 10/2022, toàn tỉnh tiêm phòng được 20.087 liều vắc xin dại. Trong đó huyện Điện Biên Đông đã hoàn thành tiêm vắc xin phòng bệnh dại trên động vật, thấp nhất là huyện Nậm Pồ (18,7%). Chi cục Thú y tỉnh cũng phối hợp, thực hiện lấy mẫu giám sát bệnh dại tại các cơ sở giết mổ chó với tổng số 24 mẫu đầu chó gửi xét nghiệm, kết quả 100% mẫu âm tính với bệnh dại.

Thời gian qua, các cấp chính quyền, ngành chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức phòng chống bệnh dại trên vật nuôi. Tuy nhiên, quá trình triển khai tiêm phòng dại cho vật nuôi vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là nhận thức của người dân hạn chế, chưa nắm được những quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh dại cho vật nuôi, chưa chấp hành việc tiêm phòng dại cho chó, mèo... Nhiều người vẫn có thói quen thả rông vật nuôi nên việc tổ chức tiêm phòng gặp nhiều khó khăn. Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 2/11/2022 của UBND tỉnh về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh dại ở động vật trên địa bàn tỉnh, các địa phương, cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, đôn đốc, chỉ đạo triển khai tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo trên địa bàn, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng triệt để cho toàn bộ đàn chó, mèo nuôi trên địa bàn. Tăng cường tuyên truyền cho người dân chấp hành việc tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo và quy định về phòng, chống bệnh dại; phổ biến các nghị định của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y để nhân dân nắm và thực hiện có hiệu quả.

Người dân cần nâng cao ý thức, chủ động tiêm phòng dại cho vật nuôi là chó, mèo theo quy định, đăng ký, xích nhốt, không thả động vật chạy rông, đeo rọ mõm cho chó khi ra đường. Đặc biệt, nếu trường hợp không may bị chó, mèo cắn, cào... phải đến ngay các cơ sở y tế để được tiêm phòng đầy đủ; đồng thời báo cáo thông tin cho cơ quan thú y địa phương để giám sát và có biện pháp xử lý kịp thời, tuyệt đối không tự chữa bệnh, để phát sinh ổ dịch dại trong cộng đồng.

Bài, ảnh: Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top