Xu hướng sử dụng thực phẩm chay

11:28 - Chủ Nhật, 27/11/2022 Lượt xem: 5159 In bài viết

ĐBP - Sử dụng thực phẩm chay đang là lựa chọn của nhiều người trong các bữa ăn hàng ngày. Đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm chay của người dân, thị trường thực phẩm, sản phẩm chay trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ ngày càng đa dạng, phong phú.

Các món ăn chay tại Quán chay Yên Ninh được chế biến cầu kỳ, hình thức bắt mắt.

Nhu cầu sử dụng thực phẩm chay

Ngày nay, ăn chay không chỉ do tín ngưỡng hay giảm cân, giữ gìn vóc dáng mà nhiều người lựa chọn ăn chay như một phương pháp để cân bằng thực phẩm (động vật - thực vật), phòng chống bệnh tật, bảo vệ sức khỏe. Có người quan niệm ăn chay để tâm hồn thanh tịnh, bình an… Chính vì vậy, ngày càng có nhiều người lựa chọn thực phẩm chay sử dụng trong bữa ăn.

Là người ăn thuần chay từ nhiều năm nay, nghĩa là không dùng tất cả các loại thịt động vật và sản phẩm từ động vật, bà Hoàng Thị Chư, tổ dân phố 1, phường Thanh Bình, thành phố Điện Biên Phủ chia sẻ: Nhà chỉ có hai vợ chồng nên thời gian rảnh tôi vẫn ưu tiên tự chế biến, nấu ăn các món chay ở nhà để đảm bảo sức khỏe hơn. Nguyên liệu chế biến món chay là thực vật nên giá rẻ. Tôi thường tự tay làm ruốc nấm hương, súp rau quả, các món rau xào thập cẩm, các món chế biến từ nấm hay mướp đắng kho với nấm, nhồi với đậu phụ, nấm hương… ăn rất ngon lại vừa tiết kiệm, vừa an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngoài chọn những đồ ăn chay dạng nguyên liệu rồi về tự chế biến, nhiều người không có thời gian chế biến hoặc chưa biết cách chế biến lại lựa chọn đồ ăn chay chế biến sẵn, chỉ việc mang về hấp, rán hoặc đun chín là ăn được, rất thuận tiện.

Chị Nguyễn Thị Thanh, tổ 2, phường Tân Thanh, thành phố Điện Biên Phủ là người ăn chay kỳ, mỗi tuần sẽ ăn chay một ngày, ngoài ra trong tháng chị còn ăn chay vào ngày rằm và mùng 1 âm lịch. Trước đây chị Thanh thường tự mua nguyên liệu về chế biến đồ chay, nhưng nay các món chay làm sẵn được bày bán khá phong phú nên để tiết kiệm thời gian chị mua thực phẩm chay công nghiệp về sử dụng.

“Thứ gì mặn có, thì chay có”

Ghi nhận ở một quầy bán đồ chay tại chợ Mường Thanh cho thấy, nhiều sản phẩm chay thương hiệu Việt, như: Vissan, Cầu Tre, Âu Lạc, Tâm An, Phú Thành… được bày bán với nhiều món ăn đa dạng. Anh Nguyễn Quang Nghị, chủ quầy hàng Quang Nghị, kinh doanh tại chợ Mường Thanh, cho biết: Thực phẩm mặn có gì thì món chay có các món được sáng tạo tương tự, chỉ khác là nguyên liệu làm ra các sản phẩm này đều từ bột mì, đậu nành, nấm… không phải từ đạm động vật. Hiện nay trên thị trường, các loại thực phẩm chay khá đa dạng, từ đồ khô, đông lạnh như chả lụa, gà, cá thu, xúc xích, tôm sú… đến các loại nem, giò với nhiều mẫu mã khác nhau. Hơn nữa, người ăn chay theo kiểu thuần tự nhiên ở đây cũng không nhiều chủ yếu là ăn chay trường, ăn chay kỳ nên tôi nhập về bán các loại sản phẩm “chay giả mặn”.

Không chỉ phong phú về món ăn, giá bán các loại thực phẩm chay cũng khá đa dạng. Các sản phẩm thực phẩm chay chủ yếu là giò, chả nem mang thương hiệu Tâm An có giá bán từ 25.000 – 50.000 đồng/gói 250g – 500g; các sản phẩm chay mang thương hiệu Phú Thành, gồm: gà, cá cuộn, cá viên, thịt ba chỉ, mề chay có giá bán từ 40.000 – 65.000 đồng/gói khoảng 200g; còn các sản phẩm thực phẩm chay mang thương hiệu Âu Lạc, như: tôm sú, xúc xích, cá thu, giò bò… có giá bán nhỉnh hơn, dao động từ 50.000 – 70.000 đồng/gói từ 200g – 350g…

Khách hàng lựa chọn thực phẩm chay đóng gói tại chợ Mường Thanh.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của thực khách, nhất là vào dịp lễ, ngày rằm, mùng 1 hằng tháng, trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ còn có hình thức kinh doanh nhận đặt nấu đồ chay và mở nhà hàng chuyên đồ chay. Đã có gần 10 năm mở quán bán đồ chay, Quán chay Yên Ninh, có địa chỉ tại số nhà 257, tổ dân phố 4, phường Tân Thanh được khá nhiều thực khách biết đến và thường ghé ăn, đặc biệt quán thường xuyên đón các thực khách là người nước ngoài. Thực đơn các món chay của quán khá phong phú với hàng chục món chính cùng nhiều loại canh, đồ ăn nhẹ, như: sườn sốt chua ngọt, giò xào nấm, nem, đùi gà chiên, tôm chiên, bò xào cần tây, súp bí đỏ, súp nấm, canh rong biển… với mức giá dao động từ 30 - 60 nghìn đồng/món. Từ nguyên liệu chế biến, chất lượng món ăn đến cách trang trí, bày biện đều được chăm chút tỉ mỉ, trang trí khá bắt mắt.

Anh Đàm Cảnh Mạnh, chủ Quán chay Yên Ninh chia sẻ: Nếu ngày trước, đồ chay truyền thống chỉ đơn thuần là đậu phụ, rau, lạc… thì giờ đây, các món ăn chay được chế biến rất cầu kỳ, hương vị mới lạ, hình thức bắt mắt. Nhiều món thoạt trông không khác gì đồ mặn, nếu chỉ nhìn bằng mắt thường khó có thể phân biệt được. Các món ăn của quán không chỉ đảm bảo dinh dưỡng, chất lượng mà cũng khá đa dạng để thực khách có thêm nhiều lựa chọn.

Thận trọng với thực phẩm chay công nghiệp

Ăn chay là để tốt cho sức khỏe, nhưng không phải thực phẩm chay nào cũng tốt. Cách đây 2 năm, vụ việc sản phẩm pate chay của một công ty chuyên sản xuất thực phẩm chay có tiếng tại Hà Nội có chứa độc tố botulinum khiến hàng chục người bị ngộ độc phải nhập viện như một lời cảnh tỉnh.

Thực tế, thực phẩm chay công nghiệp thường có một lượng chất bảo quản nhất định để có thể đóng gói, đóng hộp, kéo dài hạn sử dụng. Nhất là đồ chay giả mặn vì nguyên liệu làm nên loại đồ chay này là bột đậu, protein thực vật nên buộc phải thêm các loại phụ gia, để tạo mùi, màu, độ dai, giòn… cho giống với đồ mặn.

Trên địa bàn tỉnh Điện Biên, dù chưa có vụ ngộ độc thực phẩm nào liên quan đến các sản phẩm chay công nghiệp, tuy nhiên, để lựa chọn được những loại thực phẩm chay an toàn, người tiêu dùng cần xem xét nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, quan sát kỹ màu sắc, cách bảo quản các loại thực phẩm chay bày bán trên thị trường... để tránh “lợi bất cập hại” khi sử dụng loại thực phẩm này.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận

Tin khác

Back To Top