Đối tượng tiềm năng, khai thác, phát triển, phục vụ của ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) là người lao động, chủ yếu là người lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp và người sử dụng lao động.
Thế nhưng, thời điểm cuối năm nay, không ít lao động đứng trước nguy cơ mất việc làm do doanh nghiệp gặp khó khăn, phải cắt giảm nhân sự. Điều này khiến một số người lao động phải tạm dừng tham gia chính sách hoặc không đủ điều kiện, khả năng tiếp tục ghi tên trên hệ thống BHXH. Trong bối cảnh đó, ngành BHXH vẫn duy trì đà tăng số người tham gia nhờ chủ động biến thách thức thành cơ hội.
100% người lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn Hà Nội được tư vấn giải quyết việc làm.
Theo báo cáo về tình hình thị trường lao động do Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) công bố ngày 28-11, 10 tháng năm 2022, cả nước có 125.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và tổng số lao động đăng ký là 835.000 lao động, tăng 34,3% về số doanh nghiệp và tăng 18% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, trước bối khó khăn chung của kinh tế - xã hội thế giới và trong nước, nhiều doanh nghiệp trong nước hiện bị thiếu nguyên liệu đầu vào, bị giảm đơn hàng. Đáng chú ý, tại thành phố Hồ Chí minh đã có 26 doanh nghiệp ra thông báo cho hàng nghìn lao động nghỉ việc. Tại tỉnh Đồng Nai, những tháng gần đây, có khoảng 30.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng.
Đại diện cho phía người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng vừa có thông báo về tình hình lao động trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Theo đó, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước có hơn 470.000 lao động bị ảnh hưởng về việc làm (tại doanh nghiệp dân doanh có gần 120.000 lao động, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có hơn 350.000 lao động). Những ngành nghề có số lượng lao động bị ảnh hưởng về việc làm nhiều nhất là dệt may với hơn 130.000 người, da giày với hơn 170.000 người, chế biến gỗ với hơn 60.000 người…
Trước những khó khăn của người sử dụng lao động và người lao động, với vai trò là trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội, BHXH Việt Nam vừa tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, vừa giải quyết các chế độ, giúp người lao động thấy rõ những lợi ích, quyền lợi mà cố gắng tiếp tục tham gia.
Đối với những trường hợp rơi vào cảnh thất nghiệp, các cơ quan chức năng tiến hành tư vấn, hỗ trợ việc làm cho họ, tạo điều kiện để lực lượng lao động này sớm trở lại thị trường lao động, ở lại hệ thống BHXH.
Những người không đủ khả năng tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc, các bên vận động, hỗ trợ họ chuyển sang tham gia BHXH tự nguyện… Chẳng hạn tại Hà Nội, từ đầu năm 2022 đến nay, các cơ quan chức năng tư vấn giải quyết việc làm cho 65.499 người hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp; hỗ trợ học nghề 1.487 người, số tiền hỗ trợ 6,6 tỷ đồng. Đây là giải pháp quan trọng nhằm bảo đảm sự ổn định của thị trường lao động ở Thủ đô; giữ vững trụ cột an sinh xã hội...
Giải pháp khác được ngành BHXH quan tâm thực hiện là chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện cho mọi đối tượng người lao động dễ dàng tiếp cận với chính sách. Việc tuyên truyền về tính ưu việt, nhân văn của chính sách BHXH thông qua những dẫn chứng cụ thể cũng được các bên quan tâm.
Với tinh thần chủ động vượt khó, đưa thách thức trở thành cơ hội cho ngành phát triển, đến thời điểm này, cả nước có hơn 17 triệu người tham gia BHXH, tăng khoảng 1,6 triệu người so với cùng kỳ năm 2021.