Chú trọng công tác đào tạo nghề

09:06 - Thứ Tư, 30/11/2022 Lượt xem: 4250 In bài viết

ĐBP - Với đặc thù của tỉnh miền núi, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã tích cực phối hợp, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo nghề nói chung cũng như đào tạo nghề cho lao động nông thôn; từ đó giúp người dân có thêm điều kiện, thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong giảm nghèo, vươn lên phát triển kinh tế.

Học viên Khoa Cơ khí, Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên thực hành.

Thực hiện công tác giảm nghèo, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với các cấp, ngành tổ chức đào tạo nghề, nhất là nghề cho lao động nông thôn, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Tại Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh), từ đầu năm đến nay đã tổ chức 12 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với 420 người tham gia. Riêng tháng 9 và 10, đơn vị đã phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Điện Biên, TP. Điện Biên Phủ tổ chức 9 lớp học nghề cho 350 hội viên nông dân. Các lớp học đều được thực hiện trong 2 tháng, theo phương thức “cầm tay chỉ việc”, đã giúp học viên dễ dàng tiếp thu kiến thức, ứng dụng vào thực tiễn nâng cao hiệu quả việc làm sẵn có tại địa phương.

Cuối quý II vừa qua, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TX. Mường Lay phối hợp với cơ quan chuyên môn khảo sát, mở lớp kĩ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho thủy cầm tại bản Ló, xã Lay Nưa. Sau hơn 1 tháng, 35 học viên đã nắm vững các quy trình, kĩ thuật chăn nuôi, cũng như biết được cách phòng, trị một số loại bệnh cho thủy cầm. Ông Lù Văn Ánh, Bí thư Đảng ủy xã Lay Nưa cho biết, việc triển khai các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn về cơ bản phù hợp với điều kiện sản xuất tại các địa phương, mang lại hiệu quả cho người dân, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy trong xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TX. Mường Lay, từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn đã đào tạo nghề cho hơn 600 lao động nông thôn. Riêng từ đầu năm đến nay đã có gần 200 lao động được tham gia các lớp đào tạo thuộc các nhóm ngành, nghề nông nghiệp, như: Kĩ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa; chăm sóc, phòng trị bệnh cho ngan, gà, lợn, gia súc...

Để công tác đào tạo nghề và việc ứng dụng vào thực tiễn đạt kết quả cao, bên cạnh công tác tuyên truyền về đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp bằng nhiều hình thức, những năm gần đây, tỉnh ta đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 12 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (3 trường cao đẳng, 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện). Các cơ sở này có ngành, nghề đào tạo tương đối đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Điển hình như, Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên đang tổ chức đào tạo 7 nghề trình độ cao đẳng, 12 nghề trình độ trung cấp và hàng chục nghề trình độ sơ cấp, dạy nghề thường xuyên. Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên tổ chức đào tạo 7 ngành trình độ cao đẳng, 12 ngành trình độ trung cấp, 9 nghề trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên 20 nghề. Các trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp cơ bản đã xây dựng, phê duyệt chương trình, giáo trình đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng...

Ông Trần Bá Uẩn, Quyền Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên cho biết: Từ năm học 2019 - 2020, đơn vị đã thực hiện đào tạo song song 2 chương trình cho học sinh học hết lớp 9: Vừa học văn hóa phổ thông để thi tốt nghiệp THPT vừa học ngành/nghề, khi ra trường sẽ có 2 bằng để lập nghiệp. Trường còn tăng cường, mở rộng đào tạo các ngành, nghề thuộc hệ trung cấp, sơ cấp. Do vậy, 2 năm qua, các chỉ tiêu tuyển sinh hệ trung cấp, sơ cấp của Trường luôn vượt chỉ tiêu đề ra; năm 2020, đạt 145,5%; năm 2021 đạt 109,08%.

Nhìn chung, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện đã quan tâm thực hiện mô hình liên kết đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, tăng cường trao đổi hợp tác với các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, phát huy hiệu quả mô hình đào tạo gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở tất cả ngành nghề và tổ chức cho giáo viên, học sinh sinh viên đi thực hành, thực tế sản xuất tại các nhà máy, công trình, công xưởng để đảm bảo đầu ra qua sự cam kết tuyển dụng của doanh nghiệp.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững, từ nay đến năm 2025, tỉnh ta đặt mục tiêu mỗi năm đào tạo nghề cho 8.000 - 8.300 lao động, tạo việc làm mới cho 8.700 lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế đạt 65% - 70%.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận

Tin khác

Back To Top