Vấn đề bạn đọc quan tâm

Ý thức người bệnh quyết định sự thành công của Đề án

21:27 - Thứ Hai, 05/12/2022 Lượt xem: 4840 In bài viết

ĐBP - Bắt đầu triển khai thí điểm Đề án cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện trên địa bàn tỉnh từ tháng 4/2021 tại 3 huyện, thị là Mường Ảng, Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ. Đến hết tháng 12/2021 các cơ sở điều trị Methadone tại 3 địa phương này đã thực hiện cấp phát thuốc nhiều ngày cho 443/520 người nghiện các chất dạng thuốc phiện, đạt 85,1% kế hoạch năm 2021.

Trên cơ sở kết quả triển khai năm 2021 và theo đề xuất của Cục Phòng chống HIV/AIDS, tỉnh ta đã triển khai mở rộng Đề án. Đến ngày 31/10/2022 đã triển khai được 42/43 cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát thuốc Methadone trên địa bàn 9/10 huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện Nậm Pồ do chưa có cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát thuốc Methadone nên không thực hiện).

Luỹ kế bệnh nhân được cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày là 1.055 bệnh nhân. Số hiện đang được cấp là 855/1.638 bệnh nhân (theo kế hoạch giao), đạt 52,2% kế hoạch, chiếm 37,6% tổng số bệnh nhân đang điều trị Methadone (855/2.273 bệnh nhân). Trong số 855 bệnh nhân hiện đang được cấp phát Methadone nhiều ngày có cấp 2 - 9 liều/lần (tuỳ theo sự tuân thủ điều trị của đối tượng bệnh nhân mà số liều (ngày) khác nhau).

Việc triển khai Đề án cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện trên địa bàn tỉnh, giúp bệnh nhân giảm được số lần đến uống thuốc và đi lại được chủ động. Thực tế, với địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, giao thông khó khăn, chia cắt, nhất là vào mùa mưa, việc đi lại của người bệnh đến các cơ sở điều trị, cấp phát thuốc Methadone để được uống thuốc một lần như trước đây đã gây rất nhiều khó khăn cho người nghiện. Giảm được thời gian đi lại, bệnh nhân có nhiều thời gian cho các công việc cá nhân, gia đình, tạo thuận lợi trong tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập.

Trong 2 năm (2021 và 2022) là thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp, có thời điểm phải thực hiện giãn cách, phong toả, việc cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày giúp giảm tần suất tiếp xúc giữa người bệnh với nhân viên y tế, giữa người bệnh với người bệnh, làm giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Cái được là cơ bản, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Đề án cũng xảy ra những bất cập, cần sự vào cuộc nhiệt tình, thực tâm của cán bộ ngành Y tế, công an, chính quyền địa phương, các cơ sở điều trị Chữa bệnh Giáo dục - Lao động - Xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đó là việc người nghiện mang thuốc về nhà họ có uống đủ liều hay không? Vì có trường hợp uống tại cơ sở y tế còn lén nhổ đi. Hoặc về nhà không uống mà mang thuốc đi đổi lấy thứ khác, chia sẻ cho người khác hoặc bán lại thì sao? Lo lắng này không phải không có cơ sở. Thông tin có được, trong quá trình điều trị đã có 2 bệnh nhân chia sẻ thuốc cho người khác. 

Khi người bệnh mang thuốc Methadone về nhà cũng có thể xảy ra rủi ro như trẻ em hoặc người khác dùng nhầm thuốc, ảnh hưởng sức khoẻ, thậm chí dẫn đến tử vong. Không loại trừ bệnh nhân sau khi đã dùng thuốc Methadone, nhưng vẫn dùng ma tuý tổng hợp, như vậy sẽ mất tác dụng của thuốc, nghiện vẫn hoàn nghiện mà còn lãng phí tiền của Nhà nước, tốn kém công sức của những người tham gia cai nghiện cho bệnh nhân. Với 44 bệnh nhân kiểm tra xét nghiệm bằng tets nhanh nước tiểu dương tính với ma tuý tổng hợp đã nói lên điều đó.

Tới đây, tỉnh tiếp tục thực hiện việc cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày đại trà tại tất cả các huyện, thị, do vậy ý thức của người bệnh là rất quan trọng, quyết định sự thành công của Đề án. Uống thuốc có đủ liều, đúng giờ; có dùng thêm các chất gây nghiện khác hay không… đều phụ thuộc vào người bệnh. Một mặt, cơ quan chuyên môn cần thực hiện nghiêm việc sàng lọc người bệnh đủ điều kiện được phép mang thuốc về nhà ngay từ đầu. Vì thực tế, phần lớn người nghiện trên địa bàn tỉnh đã được điều trị thay thế dạng thuốc phiện bằng Methadone (Chương trình đã thực hiện hơn chục năm nay). Người nào điều trị theo đúng phác đồ, chấp hành nghiêm giờ giấc uống thuốc, uống đúng quy cách, đi uống thuốc đúng ngày, giờ hay không… các cơ sở điều trị, cấp phát thuốc Methadone, chính quyền địa phương điều nắm khá rõ.

Do đó, với những bệnh nhân không tuân thủ quy định, nghĩa là không đủ tiêu chuẩn và điều kiện theo Đề án cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cần áp dụng phương pháp “loại trừ vĩnh viễn”. Chỉ bệnh nhân nào (hoặc người nhà bệnh nhân) cam kết tuân thủ điều trị, nội quy cơ sở điều trị; điều kiện bảo quản thuốc, thu hồi nộp vỏ lọ thuốc đã qua sử dụng… đầy đủ thì mới thực hiện cấp phát thuốc nhiều ngày một cách ổn định. Cùng với đó, cơ quan chức năng cần thường xuyên thực hiện các biện pháp giám sát, kiểm tra bệnh nhân được phép mang thuốc về nhà để đảm bảo sự an toàn cho người bệnh và người nhà của họ. Việc cấp phát thuốc Methadon phải theo điều kiện thực tế địa phương, khả năng của cơ sở điều trị, không nên áp chỉ tiêu kế hoạch, nghĩa là không chạy theo thành tích, vì “bệnh thành tích” để cho đẹp con số báo cáo, khi đó Đề án mới thành công, đối tượng tái nghiện sau cai hàng năm mới giảm dần.

Tùng Lĩnh
Bình luận

Tin khác

Back To Top