Xem xét chế độ cho cộng tác viên dân số

08:41 - Thứ Tư, 07/12/2022 Lượt xem: 4026 In bài viết

ĐBP - Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh diễn ra trong 2 ngày 8 - 9/12, sẽ xem xét, thông qua nhiều nội dung quan trọng; trong đó có quy định số lượng, mức chi bồi dưỡng hàng tháng đối với cộng tác viên dân số trên địa bàn tỉnh. Đây là nội dung quan trọng, nếu được thông qua sẽ góp phần kiện toàn, duy trì hoạt động của đội ngũ cộng tác viên dân số tại các thôn, bản, tổ dân phố; góp phần củng cố hệ thống y tế cơ sở, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh...

Cộng tác viên dân số bản Hua Nạ, xã Chiềng Đông, huyện Tuần Giáo tuyên truyền chính sách DS - KHHGĐ tới người dân trên địa bàn.

Theo thống kê, chất lượng dân số tỉnh Điện Biên đến năm 2021 còn thấp. Cụ thể, tuổi thọ trung bình thấp hơn toàn quốc 5,2 tuổi và khu vực 2,76 tuổi; tỷ suất sinh cao hơn toàn quốc 5,7%o tuổi và khu vực 4,4%o; tổng tỷ suất sinh 2,7 con, cao hơn toàn quốc 1,3 lần và khu vực 1,1 lần; tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi gấp 1,3 lần so với toàn quốc; tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi gấp 2,4 lần toàn quốc và 1,6 lần khu vực; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn tồn tại ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó, việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc trước, trong và sau sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa vẫn còn hạn chế. Tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn mới bắt đầu triển khai (năm 2022 ước đạt 3%); phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất ước đạt 50%; trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất ước đạt 20%... Ngoài ra, việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em; công tác tuyên truyền về dân số và phát triển còn nhiều hạn chế.

Đóng vai trò quan trọng, cộng tác viên dân số như những “cánh tay nối dài” của ngành Y tế. Lực lượng này được xem là kênh truyền thông hiệu quả, cùng cán bộ y tế thôn, bản, cô đỡ thôn bản là mắt xích quan trọng trong tuyên truyền, vận động về dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ), vệ sinh phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các thôn, bản, tổ dân phố... Qua đó, góp phần không nhỏ hoàn thành các chỉ tiêu của công tác DS - KHHGĐ trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2011 - 2015, chính sách hỗ trợ cho cộng tác viên dân số thôn bản do ngân sách Trung ương cấp từ Chương trình mục tiêu quốc gia DS - KHHGĐ đảm bảo. Giai đoạn 2016 - 2020, chính sách hỗ trợ này do ngân sách địa phương đảm bảo theo Quyết định số 1125/QĐ-TTg ngày 31/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ và được áp dụng mức chi trả theo Thông tư số 26/2018/TT-BTC ngày 21/3/2018 của Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, Thông tư số 26/2018/TT-BCT của Bộ Tài chính đã hết hiệu lực thi hành, vì thế không có căn cứ để chi trả kinh phí cho đội ngũ cộng tác viên dân số. Theo tinh thầnNghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đề ra phải giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, việc ban hành Nghị quyết Quy định số lượng, mức chi bồi dưỡng hàng tháng đối với cộng tác viên dân số trên địa bàn tỉnh là cần thiết.

Dự thảo của Nghị quyết cũng nêu rõ, việc xây dựng mạng lưới cộng tác viên dân số theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả; đồng thời, quy định số lượng và mức chi bồi dưỡng hằng tháng đối với đội ngũ cộng tác viên dân số trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mỗi thôn, bản, tổ dân phố sẽ bố trí 1 cộng tác viên dân số. Đối với thôn, bản, tổ dân phố đã được bố trí y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản thì giao y tế thôn bản hoặc cô đỡ thôn bản kiêm nhiệm cộng tác viên dân số, thực hiện mức hỗ trợ hằng tháng là 0,1 mức lương cơ bản, khoảng 149 nghìn đồng/tháng. Đối với các thôn, bản, tổ dân phố chưa có y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản sẽ bố trí các chức danh thuộc các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp (chưa được hưởng phụ cấp) kiêm nhiệm cộng tác viên dân số trên cơ sở tự nguyện của lực lượng này và thực hiện mức hỗ trợ hàng tháng bằng 0,3 mức lương cơ bản, khoảng 447 nghìn đồng/tháng. Như vậy, theo khái toán, toàn tỉnh sẽ có khoảng 1.445 cộng tác viên dân số, với mức chi khoảng gần 3,8 tỷ đồng/năm... 

Dù được trình kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XV; dự thảo Nghị quyết về quy định số lượng, mức chi bồi dưỡng hàng tháng đối với cộng tác viên dân số trên địa bàn tỉnh sẽ còn phải qua nhiều bước, nhiều ý kiến đóng góp để hoàn thiện. Nhưng về cơ bản, nếu Nghị quyết được thông qua sẽ là một tín hiệu vui, góp phần để công tác DS - KHHGĐ được nâng cao chất lượng, hiệu quả...

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top