Chung tay đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

07:56 - Thứ Năm, 08/12/2022 Lượt xem: 6187 In bài viết

ĐBP - Điện Biên là một trong những tỉnh có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao của cả nước. Do đó, những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương triển khai nhiều giải pháp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Một cảnh trong tiểu phẩm phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống do học sinh Trường THCS Xa Dung thể hiện tại hội thi do UBND huyện Điện Biên Đông tổ chức.

Theo kết quả thống kê của UBND tỉnh, từ năm 2016 - 2020, toàn tỉnh có 18.948 cặp vợ chồng kết hôn, trong đó số cặp tảo hôn là 4.965 cặp (chiếm 26,2%); hôn nhân cận huyết thống là 26 cặp (chiếm 0,13%). Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống diễn ra chủ yếu ở đồng bào dân tộc Mông. Lứa tuổi phổ biến trong tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống thường từ 15 - 17 tuổi đối với nữ, 16 - 19 tuổi đối với nam. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là do ảnh hưởng của những quan niệm, thành kiến, tập tục lạc hậu đã ăn sâu trong nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số từ nhiều đời nay; đời sống người dân quá khó khăn, các gia đình không có điều kiện cho con đi học nên cho con cái lập gia đình sớm để có thêm người lao động. Cùng với đó, sự can thiệp thiếu mạnh mẽ, thiếu kiên quyết từ phía chính quyền địa phương đối với các trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết... Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống dẫn đến hệ luỵ tiêu cực cho xã hội, khiến chất lượng dân số suy giảm, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực, dẫn đến nghèo đói, thất học, suy giảm chất lượng cuộc sống; trở thành rào cản đối với sự phát triển của xã hội cũng như sự phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn hân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số, giai đoạn 2015 - 2025”, trong đó giao Ban Dân tộc tỉnh là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo. Hàng năm, Ban Chỉ đạo xây dựng, triển khai các hoạt động giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tập trung tại các xã, huyện có tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao như: Điện Biên Đông, Mường Chà, Tủa Chùa.

Bản chất của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống xuất phát từ những hủ tục, quan điểm sai về hôn nhân và từ nhận thức của người dân. Do đó, công tác truyền thông thay đổi nhận thức, đẩy lùi hủ tục được các cấp chính quyền xác định là nhiệm vụ quan trọng, tiên quyết. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 64 hội nghị tuyên truyền tại 64 xã vùng cao, vùng dân tộc thiểu số của 10/10 huyện, thị xã, thành phố; thành lập 59 câu lạc bộ truyền thông sức khỏe tại 59 xã thuộc các huyện: Điện Biên, Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ, Tủa Chùa, Điện Biên Đông và TX. Mường Lay với trên 5.200 lượt người tham gia. Bên cạnh đó, ngành Y tế đã tổ chức nói chuyện chuyên đề về dân số - kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe sinh sản tại các trường THCS và THPT. Đến nay, ngành Y tế đã tổ chức 45 buổi tuyên truyền tại các trường dân tộc nội trú thuộc các huyện Mường Chà, Điện Biên Đông với khoảng hơn 9.000 lượt học sinh tham dự; tổ chức sinh hoạt ngoại khóa 77 lượt trường THCS trên địa bàn toàn tỉnh với hơn 51.600 lượt học sinh tham dự. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức 3 lớp tập huấn, 2 buổi nói chuyện chuyên đề về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại xã Xá Nhè (huyện Tủa Chùa), xã Nậm Tin (huyện Nậm Pồ), xã Mường Nhà (huyện Điện Biên). Các địa phương đã phát 12.100 tờ rơi về thực hiện Luật Hôn nhân gia đình và tác hại của hôn nhân cận huyết thống; lắp đặt 93 áp phích và 4 cụm panô với thông điệp “Hãy nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết” tại trung tâm các xã.

Qua quá trình triển khai thực hiện, nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo như thành lập và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Điển hình như: Câu lạc bộ  “Phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”; “tiền hôn nhân”; “Phụ nữ sinh con một bề không sinh con thứ 3 trở lên”; “gia đình hạnh phúc”; “phòng chống bạo lực gia đình”... tại các các huyện: Mường Chà, Điện Biên Đông, Nậm Pồ, Tủa Chùa.

Đến hết quý I/2022, huyện Điện Biên Đông có 113 người tảo hôn, trong đó xã Phì Nhừ cao nhất (36 người), Xa Dung (27 người). Ông Vũ Ngọc Hoành, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ cùng các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, UBND các xã chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, xây dựng các mô hình giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết đến đoàn viên, hội viên và nhân dân. Thông qua những hình thức truyền thông nhóm; trao đổi, nói chuyện chuyên đề tại các bản gắn với các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại cộng đồng đã có tác động trực tiếp đến nhận thức, từng bước làm thay đổi nếp nghĩ của các bậc phụ huynh và trẻ vị thành niên. Phối hợp tổ chức hoạt động tư vấn, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa cho trẻ em, nhất là trẻ em gái; tăng cường kiểm tra, giám sát liên ngành về thực hành chính sách pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, nhất là đối tượng cán bộ, đảng viên; xử lý hình sự, xử phạt hành chính kết hợp với xử lý theo quy ước của bản, tổ dân cư.

Trung tuần tháng 11 vừa qua, UBND huyện Điện Biên Đông tổ chức cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho học sinh THCS. Ông Trần Đình Trọng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Điện Biên Đông, Phó trưởng ban tổ chức cuộc thi cho biết: Cuộc thi có 5 phần thi, song ban tổ chức chú trọng hơn phần thi kiến thức và tiểu phẩm tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Phần tiểu phẩm, các đội thi phải dựa trên thực trạng của địa phương và giải pháp của cấp uỷ chính quyền để xây dựng nội dung tiểu phẩm phù hợp, qua đó tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho học sinh trong phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Nhiều năm nay, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn diễn ra phổ biến tại xã Xa Dung. Năm 2022, xã Xa Dung có số người tảo hôn cao thứ 2 huyện Điện Biên Đông (27 người). Ông Lầu A Sá, Chủ tịch UBND xã Xa Dung cho biết: Hiện nay, đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn xã vẫn còn giữ quan điểm cho con cái kết hôn sớm để có thêm người lao động, đặc biệt là theo quan điểm người Mông “khác họ là có thể lấy nhau”. Do đó, khi trường THCS trên địa bàn tham dự hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, UBND xã Xa Dung đã định hướng nhà trường xây dựng tiểu phẩm dựa trên thực trạng ở địa phương để lồng ghép tuyên truyền phòng, chóng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Em Phạm Thị Thanh Mai, học sinh Trường THCS Mường Luân, xã Mường Luân chia sẻ: Thông qua hội thi, chúng em được tìm hiểu và nắm được những kiến thức về dân số, sức khỏe sinh sản vị thành niên, các quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình. Đặc biệt là những tác hại, hệ lụy của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Qua hội thi, chúng em sẽ là những tuyên truyền viên của nhà trường trong công tác tuyên truyền, vận động các bạn cùng lứa tuổi tập trung học tập, không bỏ học lấy chồng, lấy vợ và không lập gia đình với người có cùng huyết thống từ 3 đời trở xuống.

Nhật Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top