Vẫn mắc trong giải phóng mặt bằng

09:02 - Thứ Bảy, 10/12/2022 Lượt xem: 17975 In bài viết

ĐBP - Giải phóng mặt bằng luôn là khâu khó khăn nhất đối với các dự án đầu tư. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều dự án, trong đó cả những dự án trọng điểm vẫn bị vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng. Đây là nguyên nhân chính dẫn dự án chậm tiến độ, giải ngân thấp. Điều này không chỉ làm lãng phí tài nguyên đất đai, tăng chi phí, giảm hiệu quả đầu tư, mà còn ảnh hưởng đến đời sống người dân vùng dự án, tác động tiêu cực tới sự phát triển của tỉnh.

Dự án Trường THCS thị trấn Tuần Giáo vướng mắc giải phóng mặt bằng. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Xây dựng Đoàn Lân thi công công trình Trường THCS thị trấn Tuần Giáo.

Thời gian qua, rất nhiều dự án trên địa bàn tỉnh chậm tiến độ, thậm chí kéo dài nhiều năm so với kế hoạch đề ra, do vướng mắc giải phóng mặt bằng, như: Dự án bổ sung đoạn tuyến đường nối từ đường Võ Nguyên Giáp đến khu tái định cư Noong Bua, phường Noong Bua, TP. Điện Biên Phủ (gọi tắt là Dự án Đường 60m); Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung khu trụ sở cơ quan, khu công cộng, khu thương mại dịch vụ dọc trục đường 60m; Dự án Bến xe khách và Khu dân cư đô thị tại xã Thanh Minh, TP. Điện Biên Phủ; Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường Quảng Lâm - Huổi Lụ - Pá Mỳ (huyện Mường Nhé)...

Tại Dự án Đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc trục quốc lộ 279 và quốc lộ 12 tỉnh Điện Biên hiện đang chậm tiến độ do vướng mắc mặt bằng. Dự án này được phê duyệt chủ trương đầu tư cuối năm 2020, thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2024, với tổng chiều dài tuyến hơn 35,3km. Sau thời gian triển khai thi công, đến nay Dự án gặp nhiều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Mặc dù thời gian qua, chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh) đã tích cực phối hợp với các ngành, địa phương nơi Dự án đi qua để tháo gỡ khó khăn, Tuy nhiên, đến nay công tác này triển khai rất chậm, gặp nhiều vướng mắc chưa thể giải quyết; tiến độ thi công mới đạt khoảng 14,3%.

Cụ thể, trong 10 gói thầu xây lắp của Dự án đã ký, đến nay chỉ có 3 gói thầu (số 1, 9, 10) đã cơ bản bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công. Đối với các gói thầu còn lại, đều chưa giải phóng được mặt bằng hoặc có nhưng rất ít. Nguyên nhân được đơn vị chủ đầu tư đưa ra là do đội ngũ làm công tác giải phóng mặt bằng của thành phố đang kiện toàn, ảnh hưởng đến tiến độ; có sự sai lệch về nguồn gốc đất của một số hộ dân khiến công tác lập, thẩm định phương án gặp khó khăn; việc xác minh nguồn gốc đất gặp khó khăn; một số hộ dân sử dụng đất khác với mục đích sử dụng đất được quy định trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; một số hộ dân chưa đồng ý nhận tiền theo phương án đã phê duyệt; một số diện tích đất đang diễn ra tranh chấp...

Không chỉ với những dự án trọng điểm, quy mô lớn, mà đối với những dự án nhỏ cũng gặp không ít khó khăn liên quan đến giải phóng mặt bằng. Điển hình, Dự án Trường THCS thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo, được phê duyệt quyết định đầu tư tháng 5/2021, với tổng mức đầu tư 45 tỷ đồng; thời gian thực hiện dự án năm 2021 - 2023. Tuy nhiên, đến nay Dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Theo ông Ngô Cương Quyết, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình huyện Tuần Giáo, tổng diện tích thu hồi của dự án hơn 1,8ha của 27 hộ dân và 1 tổ chức. Tuy nhiên, đến nay mới giải phóng mặt được gần 1,1ha. Hiện hộ gia đình ông Đào Quang Trung chưa đồng ý quy chủ diện tích 681m2 thuộc hợp tác xã Chiềng Nong cũ cho UBND thị trấn Tuần Giáo và đề nghị được cấp đất tái định cư mới bàn giao; đồng thời còn 12 hộ dân chưa đồng thuận với việc quy chủ diện tích 2.200m2. Vướng mặt bằng đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công dự án và tiến độ giải ngân vốn. Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thời gian tới huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động, đối thoại với người dân; đồng thời, thực hiện cưỡng chế thu hồi nếu các hộ dân tiếp tục không đồng thuận, chống đối.

Nguyên nhân của tình trạng trên một phần là do cơ chế chính sách về đất đai, quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng không ổn định, thường xuyên thay đổi. Nhiều nội dung quy định chưa phù hợp với thực tế và có nhiều cách hiểu khác nhau nên khi áp dụng rất khó khăn; chính sách ban hành sau có lợi hơn nhiều so với chính sách ban hành trước dẫn đến khó khăn trong việc xử lý bồi thường chuyển tiếp giữa chính sách cũ và chính sách mới. Nhiều hộ dân cho rằng đơn giá bồi thường của Nhà nước chênh lệch khá cao so với giá thị trường nên không đồng ý với phương án bồi thường. Hay 2 dự án cùng trên địa bàn nhưng lại có đơn giá bồi thường khác nhau, khiến người dân so bì quyền lợi.

Thêm vào đó, công tác quản lý Nhà nước về đất đai ở một số địa phương còn buông lỏng, chưa chặt chẽ nên nhiều khu vực bị người dân lấn chiếm. Trình độ, năng lực của cán bộ làm công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều hạn chế, như: Việc đo đạc, xác định ranh giới, mốc giới thửa đất, kiểm đếm tài sản chưa đúng thực tế. Mặt khác, hạn chế trong việc tham mưu về trình tự, thủ tục thực hiện thu hồi đất, niêm yết phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn thiếu sót dẫn đến tranh chấp, làm sai và gây khó trong quá trình thu hồi đất.

Một khó khăn khác làm cho các dự án bị thu hồi đất kéo dài và phát sinh thêm nhiều hệ lụy, chính là thiếu nguồn tài chính trong triển khai chi trả bồi thường. Đó là phương án bồi thường đã được phê duyệt nhưng chưa có nguồn kinh phí để chi trả làm cho các phương án mất tính khả thi, đặc biệt là các dự án kéo dài nhiều năm, dẫn đến sự thay đổi chính sách. Ngoài những nguyên nhân trên, vẫn còn khá nhiều trường hợp người dân vùng dự án cố tình gây khó và đưa ra những đơn giá bất hợp lý, hoặc kỳ kèo, thậm chí cản trở thi công để mong được áp mức giá cao hơn.

Hiện nay, tỉnh đang đẩy mạnh việc thu hút đầu tư vào địa bàn, nhiều dự án quan trọng, quy mô lớn đã được nhà đầu tư cam kết. Để các dự án thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng, quá trình thực hiện, ngoài việc tuân thủ quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thu hồi, các cơ chế, chính sách, còn phải tuân thủ quy chế dân chủ ở cơ sở để tạo sự đồng thuận cao của người dân. Đồng thời, cần thực hiện xây dựng, phê duyệt phương án bồi thường minh bạch, công khai; cơ chế, chính sách trong bồi thường, hỗ trợ phù hợp với thực tế, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất để từ đó tạo được sự đồng thuận và chấp hành của người dân.

Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top