Bất cập chợ Mường Thanh mới

14:20 - Thứ Hai, 12/12/2022 Lượt xem: 5001 In bài viết

ĐBP - Công trình chợ Mường Thanh (phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hơn 2 tháng song đến nay trong khuôn viên chợ vẫn còn rất nhiều ki ốt trống. Phần lớn tiểu thương không vào chợ bán hàng mà tiếp tục buôn bán tại khu vực chợ cũ. Ban quản lý chợ và UBND phường Mường Thanh đã nhiều lần tuyên truyền, nhắc nhở song các tiểu thương vẫn kiên quyết bám mặt đường, lấn chiếm vỉa hè, bờ sông Nậm Rốm để buôn bán.

Từ khi chuyển vào chợ Mường Thanh mới, gian hàng rau xanh của chị Nguyễn Thị Ngần luôn trong tình trạng ế ẩm, ít người hỏi mua.

Ế hàng nơi chợ mới

Tại khu vực chợ Mường Thanh mới chỉ có các hàng bán thịt lợn, bò và một số tiểu thương bán hàng khô vào chợ nhận ki ốt để buôn bán. Còn lại, các gian hàng bán rau, củ quả, thủy hải sản và khu vực giết mổ gia súc, gia cầm hàng ngày vẫn buôn bán tại khu vực chợ cũ. Qua tìm hiểu, đa phần các tiểu thương đều phản ánh, vào chợ mới không có khách, buôn bán ế ẩm, thua lỗ nên vẫn cố bám trụ tại khu vực chợ cũ.

Chị Nguyễn Thị Ngần đã có hơn 10 năm buôn bán rau, củ quả tại tại chợ Mường Thanh. Vừa qua, được sự tuyên truyền, vận động của Ban quản lý chợ Mường Thanh, chị Ngần đã dọn hàng vào khu vực chợ mới để bán hàng. Tuy nhiên, gần 1 tuần số lượng khách hàng vào mua rau tại gian hàng chị Ngần giảm nghiêm trọng. Rau, củ quả không bán được, héo, úa, hỏng khiến việc buôn bán khó khăn, thua lỗ. Chị Ngần chia sẻ: Trước đây, gian hàng của tôi ngay mặt đường, vị trí trung tâm chợ thuận lợi cho việc buôn bán nên luôn có nhiều người ghé mua; hàng lấy ngày nào bán hết ngày đó. Tuy nhiên, khi vào chợ mới, lượng khách ghé mua hàng giảm mạnh, hàng hóa ế ẩm, buôn bán thua lỗ. Nguyên nhân là do phần lớn các tiểu thương buôn bán cùng loại hàng hóa vẫn đang bán tại chợ cũ. Trong khi khách vẫn giữ thói quen mua hàng tại khu vực chợ cũ nên lượng khách vào chợ mới rất ít. Có nhiều tiểu thương chuyển vào chợ bán một thời gian ngắn lại chuyển ra chỗ cũ vì không bán được hàng.

Cũng như chị Ngần, sau gần 1 tuần vào chợ mới bán hàng, việc buôn bán của chị Vũ Thị Thủy gặp khó khăn, bởi không có mấy người vào mua hàng. Không bán được hàng, rau bị thối, héo úa phải vứt bỏ. Chị Thủy cho biết: “Loại hàng hóa này phải luôn tươi, mới thì khách hàng mới lựa chọn sử dụng. Tuy nhiên, sau khi vào chợ mới, gian hàng tôi luôn trong tình trạng ế ẩm. Vẫn giữ nguyên lượng hàng nhập vào, trước đây bán hết trong vòng 1 ngày thì nay đến 4 – 5 ngày vẫn chưa bán hết. Rau hỏng bắt buộc phải bỏ nhập lượt mới. Do đó việc buôn bán gặp rất nhiều khó khăn”.

Khảo sát tại chợ Mường Thanh, chúng tôi nhận được rất nhiều phản ánh của tiểu thương về nguyên nhân khiến họ chậm vào bán hàng tại chợ mới là do cách bố trí các ki ốt bán hàng của Ban quản lý chợ Mường Thanh chưa hợp lý, khoa học. Việc bố trí các ki ốt bán hàng khô tại khu vực gần cổng chợ là không hợp lý. Bởi vì hàng khô cất giữ được lâu nên các chủ ki ốt thường nhập về nhiều, nhất là dịp cuối năm. Số lượng hàng lớn, không có kho bảo quản nên họ xếp chồng chất thành đống cao hàng mét ngay cổng chợ, che hết các ki ốt bán các loại hàng hóa khác ở phía trong. Do đó, khi khách hàng đi chợ không biết trong chợ có nhiều ki ốt và bán các loại hàng gì.

Khu vực chợ Mường Thanh cũ vẫn tấp nập người mua bán.

Tại một số khu vực trong chợ Mường Thanh mới, việc bố trí các ki ốt với diện tích quá nhỏ, hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, không phù hợp với loại hàng hóa kinh doanh khiến các tiểu thương chưa muốn vào chợ mới. Đơn cử như tại khu vực được bố trí bán cá và các loại thủy hải sản, số lượng ki ốt được bố trí quá ít so với số lượng tiểu thương đang buôn bán ở chợ cũ, đồng thời khu vực này chưa được đầu tư hệ thống cống thoát nước.

Chị Phạm Thị Hương, tiểu thương bán cá tại chợ Mường Thanh cho biết: “Buôn bán cá, hàng thủy sản, hải sản mà ki ốt không có hệ thống cống, rãnh thoát nước thì sẽ rất mất vệ sinh và gây ô nhiễm môi trường. Đây là lý do chính khiến hầu hết tiểu thương bán loại hàng này vẫn chưa vào chợ mới”.

Cần giải pháp bền vững

Sau 2 tháng đi vào hoạt động, số tiểu thương vào chợ Mường Thanh mới kinh doanh khá thưa thớt; tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè và đất di tích lịch sử Điện Biên Phủ để buôn bán vẫn diễn ra hàng ngày. Những bất cập này UBND phường Mường Thanh và Ban quản lý chợ Mường Thanh cần có giải pháp kịp thời, quyết liệt để giải quyết dứt điểm. Qua đó, trả lại đường thông, hè thoáng, đảm bảo mỹ quan đô thị; bảo vệ, phát huy giá trị các điểm di tích lịch sử và nhất là phát huy hiệu quả đầu tư dự án chợ Mường Thanh mới.

Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND phường Mường Thanh, Trưởng Ban quản lý chợ Mường Thanh cho biết: Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bất cập tại chợ Mường Thanh là do chợ mới chỉ có 268 gian hàng. Trong khi số lượng tiểu thương đang buôn bán tại khu vực này đông gấp hơn 2 lần khả năng đáp ứng của chợ Mường Thanh mới. Sau khi nghe phản ánh về những điểm bất hợp lý trong sắp xếp các gian hàng, Ban quản lý chợ Mường Thanh đã tổ chức sắp xếp lại một số gian hàng sao cho hợp lý nhất, đồng thời tạo điều kiện hết mức để các tiểu thương vào chợ bán hàng.

Các tiểu thương buôn bán thủy, hải sản chưa chuyển địa điểm do khu vực chợ mới chưa có hệ thống thoát nước và vị trí bán hàng chật hẹp.

Với thực trạng hiện tại, đây chỉ là giải pháp trước mắt. Về lâu dài, việc sắp xếp, bố trí chỗ kinh doanh buôn bán ổn định mới là giải pháp căn cơ, bền vững.

Ông Hà Minh Tuấn, Chủ tịch UBND phường Mường Thanh cho biết: Chợ Mường Thanh có lịch sử hình thành và phát triển từ hàng chục năm nay. Số tiểu thương kinh doanh, buôn bán tại khu vực khoảng 400 – 500 người. Việc kinh doanh buôn bán tại chợ đều là nguồn thu nhập chính của các gia đình. Trong khi đó, chợ Mường Thanh mới được xây dựng lại không thể bố trí đủ chỗ cho tất cả tiểu thương. Do đó, việc vận động các tiểu thương vào chợ, đồng thời xóa bỏ hẳn chợ tạm khu vực cầu Mường Thanh là việc rất khó khăn, cần có thời gian cho các tiểu thương chuẩn bị tâm lý cũng như tìm kiếm địa điểm buôn bán mới để di chuyển. Từ nay đến Tết Nguyên đán, UBND phường tích cực phối hợp với Ban Quản lý di tích (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch); Công an TP. Điện Biên Phủ và đội trật tự đô thị thường xuyên ra quân, tích cực vận động các tiểu thương đã đăng ký chỗ kinh doanh buôn bán ở chợ mới khẩn trương di chuyển vào chợ, trả lại mặt bằng đô thị và khu di tích. Đồng thời hướng dẫn tiểu thương đăng ký vị trí buôn bán tại các chợ khác trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ. Đối với các tiểu thương đã được phân vị trí tại chợ mới nhưng không đồng thuận dọn hàng vào buôn bán, UBND phường sẽ yêu cầu Ban quản lý chợ điều chuyển vị trí đó cho các hộ kinh doanh có nhu cầu. Phấn đấu đến Tết nguyên đán 2023 sẽ cơ bản giải quyết xong bất cập tại khu vực chợ Mường Thanh.

Theo thông tin từ Ban quản lý Di tích (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thì Ban đã có kế hoạch dọn dẹp vệ sinh và trồng cỏ, trả lại không gian thông thoáng, sạch sẽ cho khu vực di tích lịch sử cầu Mường Thanh khi bất cập tại chợ Mường Thanh được giải quyết.

Tuy nhiên, bao giờ bất cập được giải quyết thì phải chờ xem!

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top