ĐBP - Tìm hiểu về công tác dạy và học tại Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe cơ giới đường bộ (Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên), chúng tôi được biết, từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã đào tạo gần 17.000 học viên lái xe ô tô các hạng B và C. Trong năm 2022, Trung tâm đào tạo gần 2.080 học viên. Học viên được đào tạo và tốt nghiệp bảo đảm về chất lượng và các yếu tố, kỹ năng trong điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Nói về công tác đào tạo của đơn vị, ông Phùng Văn Kiệm, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe cơ giới đường bộ (Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên), cho biết: Những năm gần đây, Trung tâm luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên và Sở Giao thông vận tải. Vì thế, công tác đào tạo, sát hạch lái xe của Trung tâm đã dần hoàn thiện, ổn định và phát triển cả số lượng và chất lượng…
Có mặt tại buổi kiểm tra học viên chuẩn bị tốt nghiệp với bài “Tiến, lùi hình chữ chi”, chúng tôi ghi nhận không khí nghiêm túc, chặt chẽ. 100% học viên phải tham gia kiểm tra với bài thực hành này. Trước đó, học viên phải thực hiện các phần thi: Lý thuyết Luật Giao thông đường bộ; kỹ năng xử lý các tình huống giao thông trên phần mềm mô phỏng… Khi đủ điều kiện đạt các phần thi trên, học viên mới tiếp tục được thi phần kỹ năng lái xe trong hình và trên đường.
Phía bên ngoài hàng rào khu vực thi thực hành lái xe trong hình, hàng trăm học viên và người thân im lặng theo dõi. Tiếng vỗ tay cổ vũ, tiếng gọi nhau chúc mừng liên tục vang lên mỗi khi có học viên hoàn thành phần thi của mình.
Khuôn mặt rạng ngời khi hoàn thành phần thi thực hành lái xe trong hình, anh Nguyễn Thành Trung, học viên khóa 301, hồ hởi cho biết: “Được anh em, bạn bè động viên, vừa rồi tôi mới đi học lái xe. Các phần lý thuyết và thực hành đều rất khó và căng thẳng. Tuy nhiên, được giáo viên chỉ bảo tận tình trong suốt quá trình học, tôi đã nắm vững kiến thức. Đến giờ, tôi rất yên tâm và tự tin khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường”.
Anh Lê Đức Luật, giáo viên Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe cơ giới đường bộ, cho biết: “Tiêu chí để chúng tôi khẳng định thương hiệu, uy tín của mình đó là dạy thật, học thật. Vì thế, 100% học viên khi tốt nghiệp, qua sát hạch đủ điều kiện cấp bằng đều bảo đảm chất lượng, có kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tốt, tay nghề vững vàng, đáp ứng yêu cầu công việc…”.
Theo anh Luật, mục tiêu mà Trung tâm hướng đến là học viên được đào tạo nắm chắc về lý thuyết và vững vàng trong thực hành. Do duy trì và thực hiện nghiêm túc quy trình đào tạo và sát hạch nên những năm gần đây, số lượng học viên nộp đơn và đào tạo tại Trung tâm tăng lên rõ rệt.
Đạt được kết quả này, trước hết Ban Giám đốc Trung tâm thường xuyên thực hiện nghiêm quy trình tuyển sinh, quản lý chặt chẽ công tác đào tạo lái xe; nhất là về quy chế, kế hoạch, tiến độ đào tạo theo đúng quy định của Bộ Giao thông vận tải và Tổng cục Đường bộ. Quá trình đào tạo, bố trí đủ giáo viên và thực hiện đúng nội dung, chương trình theo quy định, kịp thời ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình đào tạo. Tăng cường công tác quản lý, giám sát, bảo đảm chặt chẽ đối với giáo viên và học viên trong suốt quá trình đào tạo, sát hạch, cấp chứng chỉ nghề. Quản lý, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị, nguồn vốn trong hoạt động đào tạo theo chức năng và nhiệm vụ được giao. Chủ động đầu tư, bổ sung trang, thiết bị, phương tiện trong hoạt động đào tạo, sát hạch lái xe, bảo đảm ổn định, phục vụ kịp thời nhu cầu của học viên. Ngoài ra, Trung tâm cũng tăng cường công tác quản lý chặt chẽ trang, thiết bị, phương tiện, cơ sở vật chất; quản lý chặt chẽ viên chức, công chức, người lao động và thu, chi học phí…
Trao đổi với chúng tôi, ông Phùng Văn Kiệm, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe cơ giới đường bộ, khẳng định: Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục triển khai, thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Giao thông đường bộ; quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe và dịch vụ sát hạch lái xe. Tăng cường công tác tuyển sinh, đào tạo. Coi trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên, cán bộ, công chức. Chủ động thay thế, bổ sung các trang, thiết bị, phương tiện mới, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, sát hạch. Quản lý, sử dụng hiệu quả kinh phí, nguồn vốn, không để xảy ra mất mát, hư hỏng, lạm thu…