Đẩy mạnh truyền thông về dân số

08:55 - Thứ Hai, 19/12/2022 Lượt xem: 3685 In bài viết

ĐBP - Xác định truyền thông là nhiệm vụ tiên quyết trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), những năm qua Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Điện Biên đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, đưa Pháp lệnh Dân số đến gần hơn với người dân, nhất là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Từ đó, giúp người dân “hiểu đúng, hiểu trúng”, chuyển đổi hành vi, nhận thức về công tác dân số trong tình hình mới, góp phần ổn định dân cư, nâng cao mức sống và thu nhập.

Cán bộ Trạm Y tế xã Núa Ngam truyền thông về kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân trên địa bàn.

Để công tác DS - KHHGĐ đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, TTYT huyện Điện Biên đã đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp. Trọng tâm là tăng cường công tác truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số, sức khỏe sinh sản/KHHGĐ... Công tác truyền thông ưu tiên các địa bàn có mức sinh cao, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên, đối tượng có nguy cơ và tình trạng sức khỏe sinh sản kém. Nội dung truyền thông tiếp tục chuyển trọng tâm từ chính sách DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển; chú trọng quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW của Trung ương Đảng (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới.

Ông Nguyễn Như Sóng, Trưởng phòng Dân số - TTYT huyện Điện Biên cho biết: Công tác truyền thông góp phần rất quan trọng vào nâng cao chất lượng DS - KHHGĐ từ huyện đến cơ sở. Để công tác truyền thông thực sự đi vào cuộc sống, gắn liền với đời sống, phong tục tập quán, trên cơ sở hưởng ứng của nhân dân, truyền thông về dân số được triển khai sâu rộng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú: Cấp phát tờ rơi; nói chuyện chuyên đề; thông tin tuyên truyền trên Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện, chiếu phim, nói chuyện chuyên đề. Năm 2022, TTYT đã phối hợp với Trung tâm Chính trị huyện, các ban, ngành, đoàn thể huyện truyền thông cho khoảng 350 lượt người nghe về mất cân bằng giới tính khi sinh; tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Truyền thông tại 4 trường THPT, Trường PTDTNT-THPT, 16 trường THCS về mất cân bằng giới tính khi sinh, sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên, hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống... Thông qua các buổi truyền thông trang bị cho học sinh kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên, phòng chống xâm hại tuổi vị thành niên, kỹ năng ứng xử trước sự thay đổi về tâm sinh lý.

TTYT huyện cũng đẩy mạnh thực hiện chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ đến các vùng đông dân, vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn, nội dung dễ hiểu và phù hợp với nhiều nhóm đối tượng. Năm qua, TTYT huyện đã tổ chức truyền thông sinh hoạt câu lạc bộ tại xã được 210 cuộc; sinh hoạt câu lạc bộ tại thôn, bản được 1.100 cuộc. Triển khai và duy trì mô hình “Bản thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ” và “Bản không có tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” tại 6 bản; qua đó làm thay đổi nhận thức, chuyển đổi hành vi của quần chúng nhân dân, nhất là đồng bào DTTS.

Phát huy vai trò hạt nhân trong công tác truyền thông, đội ngũ 275 cộng tác viên dân số/275 thôn, bản đã vượt qua khó khăn, xây dựng các mô hình truyền thông tại cộng đồng; thường xuyên “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” bám nắm địa bàn, tích cực vận động người dân thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, Pháp lệnh Dân số và chăm sóc sức khỏe sinh sản; tập trung vào các cặp vợ chồng đã có 2 con để tuyên truyền. Chị Lò Thị Phung, cộng tác viên dân số đội 12 (bản Pá Đông) xã Thanh Xương chia sẻ: “Để đưa các chính sách DS-KHHGĐ đến với người dân, tôi đã xuống từng thôn, bản, bám nắm địa bàn, nhất là vùng có mức sinh cao; trước nhất là gần gũi, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, động viên chị em nên sinh đủ 2 con để nuôi dạy cho tốt; sử dụng các biện pháp tránh thai, thăm khám định kỳ khi mang thai, không nên sinh đẻ tại nhà để đảm bảo sức khỏe cũng như chăm sóc con tốt hơn”.

Nhờ những giải pháp thiết thực, hiệu quả từ tuyên truyền, vận động đến mở rộng các mô hình, chất lượng dân số của huyện Điện Biên đã có chuyển biến tích cực. Các chỉ tiêu về dân số đạt và vượt kế hoạch đề ra: Trong năm tỷ lệ người thực hiện biện pháp tránh thai hiện đại đạt 5.914/4.200; ước thực hiện sàng lọc trước sinh được 740 ca; sàng lọc sơ sinh được 372 ca; tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại 67,7%; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vi phạm chính sách dân số giảm 0,3% so với kế hoạch. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương.

Bài, ảnh: Phương Linh
Bình luận

Tin khác

Back To Top