Hàng vạn người lao động đã về quê trước Tết vài tháng

07:36 - Thứ Ba, 20/12/2022 Lượt xem: 4288 In bài viết

Ngày 19-12, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, từ tháng 9-2022 đến nay, bên cạnh các doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, kinh doanh tốt, mở rộng sản xuất, tuyển dụng thêm lao động, đã xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp bị thiếu, cắt giảm đơn hàng. Thực trạng này dẫn đến hàng trăm ngàn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm. Hàng vạn người lao động đã về quê đón Tết trước hằng tháng, thậm chí là vài tháng.

Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội thăm hỏi đời sống người lao động tại Công ty cổ phần Giày Hồng Bảo.

Gần 42.000 người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tại các doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở, từ tháng 9-2022 đến ngày 10-12-2022, đã có 1.242 doanh nghiệp (tại 44 tỉnh, thành phố) gặp khó khăn, bị cắt giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm của 482.120 người lao động. Trong đó, chấm dứt hợp đồng lao động với 41.642 người, chiếm 8,64% tổng số người bị ảnh hưởng.

Số lao động bị ảnh hưởng nêu trên phần lớn ở các doanh nghiệp FDI (chiếm 75% tổng số lao động bị ảnh hưởng), tập trung trong 3 ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ; chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Nếu như các năm trước, đây là thời điểm phải tăng ca nhằm đảm bảo đơn hàng thì năm nay, hàng vạn người lao động về quê đón Tết trước hằng tháng, thậm chí là vài tháng, là vấn đề lớn cần được quan tâm.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phân tích, thực trạng trên gây ảnh hưởng đối với nền kinh tế. Đó là giảm sút về năng suất lao động, tổng sản phẩm, giá trị kinh tế và kéo theo là ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022, thậm chí sang những tháng tiếp theo của năm 2023, tác động tới cân đối lớn của cả nền kinh tế.

Tình trạng trên cũng tác động lớn đến tính bền vững của thị trường lao động và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của doanh nghiệp. Việc mất lao động hiện tại có thể chưa mang lại tác động tức thời do doanh nghiệp không có việc làm để giữ người lao động. Nhưng những tháng tới, khi tình hình được cải thiện, tốt dần lên, doanh nghiệp cần lao động có tay nghề, chắc chắn sẽ khó tuyển dụng và tốn kém rất nhiều chi phí để có lại được lực lượng lao động như trước.

Đối với người lao động, giảm giờ làm là giảm tiền lương, thu nhập; mất việc làm là mất tiền lương, mất thu nhập. Trong bối cảnh bình thường, nhiều người lao động đã phải sống tằn tiện, gửi con về quê, đời sống vật chất thiếu thốn, đời sống tinh thần gần như bỏ trống, không có hoặc có rất ít tích lũy, rất dễ bị tổn thương trước biến cố hoặc khủng hoảng.

Đề xuất nhiều giải pháp ổn định thị trường lao động

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhận định, trong thời gian tới, tình hình thế giới tiếp tục có biến động khó lường. Trong nước, ổn định kinh tế vĩ mô đối mặt với nhiều thách thức, sức ép lạm phát lớn; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp; tăng trưởng có xu hướng chậm lại; nguy cơ suy thoái kinh tế và các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực, thông tin gia tăng.

Cùng với đó, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp khó khăn, đơn hàng sẽ tiếp tục bị cắt giảm có thể hết quý I, thậm chí quý II-2023 dẫn đến nhiều người lao động bị thiếu, mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống. Theo tổng hợp từ các công đoàn cơ sở, dự kiến trong tháng 12 và những tháng đầu năm 2023, sẽ có 667 doanh nghiệp tiếp tục thực hiện giảm giờ làm của 271.736 lao động và 88 doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm 15.769 lao động.

Trước tình hình trên, theo ông Ngọ Duy Hiểu, cần nhiều giải pháp đồng bộ. Trước tiên, cần tăng cường cung cấp thông tin về thị trường lao động, triển khai các hình thức, phương thức giúp người lao động dễ tiếp cận thông tin tuyển dụng, với các nguồn tuyển dụng uy tín, các doanh nghiệp, tổ chức đang cần tuyển việc làm. Phát huy vai trò của các hiệp hội người sử dụng lao động trong việc kết nối để giới thiệu việc làm cho lao động từ các doanh nghiệp không bố trí được việc làm tới các doanh nghiệp là thành viên của các hiệp hội cần tuyển dụng lao động.

Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản để các doanh nghiệp đang có việc làm có thể sử dụng và sử dụng nguồn lao động đang tạm hoãn hợp đồng lao động ở các doanh nghiệp khác. Tăng cường kiểm soát về giá cả, không để lạm phát tăng cao; đồng thời, tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá cho công nhân lao động.

Song song với đó, cũng cần nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ kịp thời, thỏa đáng, sát thực tế đối với người lao động ở 3 mức độ: Bị mất việc, tạm hoãn hợp đồng, giảm giờ làm, nhất là khi Tết Nguyên đán cận kề…

Về lâu dài, cần có chính sách thu hút đầu tư và tiền lương thỏa đáng để người lao động sau một thời gian làm việc phải có tích lũy ở mức cần thiết để khi gặp khó khăn, họ vẫn có tiền để duy trì cuộc sống; mở rộng chính sách về bảo hiểm xã hội nhằm đủ sức để hỗ trợ người lao động trong lúc khó khăn….

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top