Đào tạo nghề nâng cao chất lượng nhân lực nông thôn

08:50 - Thứ Tư, 21/12/2022 Lượt xem: 3552 In bài viết

ĐBP - Nửa đầu năm 2022, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến công tác đào tạo nghề trong toàn tỉnh nói chung, huyện Điện Biên nói riêng. Từ khi dịch bệnh được kiểm soát, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện Điện Biên tập trung tổ chức, triển khai 7 lớp nghề cho 235 học viên ở các trình độ thường xuyên và sơ cấp tại 6 xã trên địa bàn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn.

Học viên xã Thanh Chăn học cách chuẩn bị thức ăn, phòng tránh đói rét cho gia súc, trong lớp “Kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho trâu, bò”.

Lớp kỹ thuật trồng, bảo quản và sơ chế nấm tại bản Tin Lán, xã Núa Ngam là lớp dạy nghề cuối cùng trong năm của Trung tâm GDNN - GDTX huyện Điện Biên. Lớp đang giai đoạn thực hành, thu hoạch sản phẩm, chuẩn bị cho buổi tổng kết. Lớp thu hút 25 học viên là người dân bản Tin Lán tham gia từ đầu tháng 10. Anh Giàng A Tro, nhóm trưởng lớp học chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên người dân Tin Lán tiếp cận với nghề trồng nấm, ai nấy đều tham gia tích cực, đầy đủ. Vì đường lên bản vẫn còn khá khó khăn, đặc biệt là trời mưa, dân bản thì đi làm cả ngày nên rất vất vả cho giáo viên. Cô giáo thường phải đợi học viên, mở lớp học giữa trưa hoặc cuối giờ chiều. Trong khóa học, giáo viên đã linh hoạt vừa giảng dạy lý thuyết vừa kết hợp thực thành theo phương pháp cầm tay chỉ việc, giúp chúng tôi tiếp thu kiến thức và áp dụng vào thực tế dễ dàng hơn”. Anh Tro tâm sự thêm, trồng nấm hơi khó, đòi hỏi sự tỉ mỉ, chăm chút, đặc biệt là khâu chuẩn bị và lên bịch. Xã Núa Ngam chưa có bản, nhóm hộ nào trồng nấm bán, nếu người dân Tin Lán làm được thì có tiềm năng, có thị trường tiêu thụ.

Tại xã Thanh Chăn, giữa tháng 12, Trung tâm GDNN - GDTX huyện tổng kết lớp đào tạo sơ cấp nghề kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho trâu, bò. Trong khuôn khổ lớp, người dân được dạy cách phòng trị một số bệnh thông thường, dịch có nguy cơ xảy ra trên trâu, bò; phòng chống rét, chuẩn bị thức ăn mùa lạnh cho trâu, bò. Sau 3 tháng học tập, 35 học viên của lớp đã được công nhận tốt nghiệp với tỷ lệ hơn 80% đạt khá, giỏi, nắm chắc kiến thức, chủ động áp dụng vào thực tế chăn nuôi tại gia đình, góp phần cải thiện chất lượng, hiệu quả chăn nuôi.

Năm 2022, theo nhu cầu từ cơ sở, Trung tâm GDNN - GDTX huyện mở 7 lớp tập trung với 3 nghề: Chăn nuôi, phòng trị bệnh cho trâu bò; chăn nuôi, phòng trị bệnh gia cầm; trồng và bảo quản, sơ chế nấm tại các xã Thanh Nưa, Thanh Chăn, Thanh An, Núa Ngam, Mường Lói. Thực tế theo danh mục nghề được cấp phép đào tạo, Trung tâm có khả năng, điều kiện đào tạo 11 nghề. Ngoài các lớp trên còn có trồng và khai thác rừng; trồng - quản lý dịch hại trên cây lúa, sản xuất rau an toàn... Trong đó có 2 nghề mới là kỹ thuật nấu ăn và lắp đặt, sửa chữa điện nước sinh hoạt.

Ông Phạm Văn Huấn, Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Điện Biên cho biết: “Trung tâm tổ chức, triển khai đào tạo nghề với phương châm cầm tay chỉ việc; thực hành nuôi cá thì ra ao, dạy trồng cây ra vườn, chăn nuôi thì vào chuồng trại, trồng lúa thì trực tiếp xuống ruộng. Lấy thực tế đồng ruộng, vườn cây, đàn vật nuôi... đánh giá kết quả đào tạo. Với những kiến thức được truyền tải và chế độ được hưởng thụ, các học viên địa phương đều tích cực học tập, tham gia thực hành có hiệu quả. Hàng năm chúng tôi đều phải quay lại kiểm tra, đánh giá việc duy trì triển khai, áp dụng vào thực tiễn của học viên. Theo đó trên 80% học viên trở lên có việc làm hoặc tự tạo việc làm tốt sau đào tạo”.

Không chỉ vậy, nhiều lớp đào tạo đã thay đổi tư duy sản xuất hàng hóa của người dân bản địa. Như tại xã Noong Hẹt, qua lớp kỹ thuật trồng, bảo quản, sơ chế nấm từ năm trước, hơn 20 hộ dân bản Phủ đang thực hiện các quy trình đề xuất thành lập hợp tác xã trồng nấm. Năm 2021, người dân xã Pa Thơm được dạy nghề trồng nấm cũng đã tiếp tục nhân rộng mô hình, bán nấm cho các bản, xã lân cận. Hàng năm, trên địa bàn huyện Điện Biên có thêm hàng trăm người dân được nâng cao tay nghề, trình độ thông qua các hoạt động đào tạo nghề. Qua đó không chỉ góp phần hoàn thành kế hoạch của UBND huyện về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn hàng năm; quan trọng hơn cả là góp phần thay đổi ngành nghề, tạo việc làm mới, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân.

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận

Tin khác

Back To Top