Nhân rộng mô hình hiệu quả

07:34 - Thứ Năm, 22/12/2022 Lượt xem: 3702 In bài viết

ĐBP - Song song với các giải pháp tuyên truyền, phổ biến, thực hiện các chính sách dân số thì việc triển khai, duy trì, nhân rộng các mô hình dân số đã và đang góp phần tích cực vào giảm tỷ lệ sinh trên địa bàn, nâng cao chất lượng dân số.

Cán bộ bản Hua Rốm, xã Nà Tấu (TP. Điện Biên Phủ) trò chuyện, tuyên truyền người dân trong bản về không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Một trong những thách thức lớn nhất đối với công tác dân số Điện Biên nhiều năm qua đó là tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Thông qua khảo sát thực tế, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này đó là những hủ tục “ăn sâu bám rễ” trong tư duy đời sống của người dân; cùng với đó là những hạn chế trong việc tiếp cận kiến thức, thông tin; đời sống khó khăn, thiếu thốn...

Trước thực trạng này, từ những năm 2010, Chi cục DS - KHHGĐ đã triển khai thực hiện thí điểm mô hình “Giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại các bản vùng cao 2 huyện Mường Chà và Điện Biên Đông. Sau khi có những kết quả khả quan, mô hình được nhân rộng. Hiện đang được duy trì tại 21 bản, thuộc 7 huyện. Bản Hua Rốm, xã Nà Tấu, TP. Điện Biên Phủ trước năm 2020, trường hợp tảo hôn diễn ra thường xuyên, tăng giảm không ổn định. Năm 2017 có 6 trường hợp, năm 2018 có 3 trường hợp, năm 2019 có 17 trường hợp tảo hôn. Nhiều em mới 15 - 17 tuổi nhưng đã nghỉ học giữa chừng lập gia đình, đảm nhiệm chức trách làm vợ, làm mẹ. Trước thực trạng ấy, Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh chọn Hua Rốm triển khai mô hình “Bản không có tảo hôn và không có hôn nhân cận huyết thống” từ tháng 5 - 12/2020.

Nhiều phương thức tiếp cận tuyên truyền đã được triển khai, như: Qua loa phát thanh, nhắn tin điện thoại, sinh hoạt câu lạc bộ; tuyên truyền nhóm hộ; tới từng gia đình, trường hợp nữ sinh có nguy cơ bỏ học lập gia đình vận động, chia sẻ. Qua đó đã giúp nâng cao nhận thức người dân trong việc áp dụng và thực hiện các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, bài trừ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Người dân trong bản cũng được tuyên truyền nhận biết những rủi ro cho con em khi kết hôn chưa đủ tuổi. Anh Vàng A Tú, cán bộ y tế bản kiêm cộng tác viên dân số bản cho biết: “Từ khi triển khai mô hình, Hua Rốm không có thêm trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Dù mô hình được hỗ trợ đã kết thúc nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên tuyên truyền nội dung này lồng ghép trong các cuộc họp bản, tuyên truyền trên loa phóng thanh. Thỉnh thoảng lực lượng cán bộ dân số thành phố, xã cũng xuống trao đổi, chia sẻ với bà con, kịp thời phát hiện ngăn chặn các trường hợp nguy cơ cao”.

Trưởng bản Vàng A Săng cho biết thêm: Qua nhiều hoạt động tuyên truyền, nhận thức của người dân bản Hua Rốm đã được nâng cao. Thể hiện rõ nhất là mấy năm nay không có thêm trường hợp tảo hôn. Học sinh bỏ học giữa chừng cũng giảm hẳn, các em có ý thức học hết THPT, có bằng cấp đi làm thuê trong và ngoài tỉnh, có công việc ổn định để lo cuộc sống.

Mặc dù đã có nhiều giải pháp nhưng để đạt được hiệu quả giảm tỷ lệ tảo hôn cao vẫn còn là khó khăn với địa bàn miền núi như tỉnh ta. Năm 2022, tỷ lệ cặp tảo hôn chung toàn tỉnh còn 37,7%, giảm 8,4% so với năm trước.

Xác định đối tượng chính cần tiếp cận và tác động là lứa tuổi thanh, thiếu niên, nên phòng dân số các huyện chủ động xây dựng kế hoạch, thường xuyên phối hợp với các trường học trên địa bàn, tổ chức tập huấn kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, câu lạc bộ tư vấn tiền hôn nhân cho cán bộ, giáo viên, học sinh; nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, tình yêu, tình bạn, những hệ quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết... Thông qua nội dung sinh hoạt, đã cung cấp cho vị thành niên - thanh niên trên địa bàn nhiều kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tâm sinh lý lứa tuổi... Giúp giới trẻ thay đổi nhận thức, biết sử dụng các biện pháp tránh mang thai ngoài ý muốn; khi mang thai đã đến cơ sở y tế để khám sàng lọc trước, trong và sau sinh.

Cùng với các mô hình trên, tỉnh duy trì, triển khai mô hình bản thực hiện tốt chính sách dân số tại 8 bản (thuộc 4 huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng, Mường Nhé); mô hình bản không sinh con thứ 3 trở lên và vi phạm chính sách dân số. Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp từ tuyên truyền, vận động đến mở rộng các mô hình, hoạt động DS - KHHGĐ của tỉnh đang được nâng lên rõ rệt. Tỷ suất sinh giảm xuống còn 19,33%o năm 2022; tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai chung đạt 69,7%, trong đó biện pháp tránh thai hiện đại tăng từ 58,37% (năm 2019) lên 62,6% (năm 2022); tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đang sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 45,1%...

Bên cạnh đó, theo bà Phạm Thị Hiền, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Dân số và Phát triển, Chi cục DS - KHHGĐ thì công tác truyền thông vẫn được xác định là giải pháp quan trọng. Để nhiệm vụ này đạt hiệu quả cao nhất cần có sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở. Ngoài kiến nghị được bố trí kinh phí để tiếp tục triển khai có hiệu quả các mô hình dân số, ngành Dân số cũng xác định sẽ tăng cường khâu kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện; đồng thời, tập trung đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm huy động sự đóng góp, chung tay của cộng đồng và có hình thức khen thưởng, khuyến khích kịp thời các cá nhân, tập thể đạt thành tích để phát huy nhân rộng mô hình trong cộng đồng dân cư.

Bảo Anh
Bình luận

Tin khác

Back To Top