Sức sống trên cao nguyên đá

09:27 - Thứ Năm, 29/12/2022 Lượt xem: 4175 In bài viết

ĐBP - Tủa Chùa có 3/4 diện tích là núi đá tai mèo, ít sông suối, thường xuyên thiếu nước sinh hoạt, thiếu đất canh tác. Song giữa những khắc nghiệt, khô cằn ấy, nhân dân các dân tộc trong huyện với sự sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo đã tạo nên kỹ thuật canh tác trên núi đá, phủ xanh sườn núi đá xám xịt, khô cằn bằng những nương ngô, lúa.

Một góc cao nguyên đá Tủa Chùa. Ảnh: Xuân Tư

Làm nông nghiệp vốn đã khó khăn, vất vả, canh tác trên núi đá càng khó khăn gấp nhiều lần. Với diện tích đa phần là đá tai mèo, vì vậy ngô là cây lương thực quan trọng của người dân các xã vùng cao đá chen đá, hiếm đất trồng trọt và khô hạn quanh năm.

Tả Phìn là một trong những xã của huyện Tủa Chùa có núi đá chiếm phần lớn diện tích tự nhiên toàn xã. Cả xã chỉ có hơn 735ha đất trồng cây lương thực, chủ yếu trên núi. Do thiếu đất sản xuất, cùng với kỹ thuật canh tác lạc hậu, những năm trước đây tình trạng đói nghèo đeo đẳng cuộc sống người dân. Thế nhưng, giờ đây Tả Phìn đã khác. Người dân thực hiện quy trình kĩ thuật thổ canh hốc đá - canh tác trên vùng đất xen lẫn đá: dùng đá xếp quanh đất để che chắn, chống xói mòn, rửa trôi đất; gùi đất đổ vào hốc đá tự nhiên để canh tác. Thật kỳ diệu, giữa muôn trùng núi đá tai mèo ấy, màu xanh của sự sống vẫn luôn hiện hữu quanh năm. Muôn trùng ô đất nhỏ len lỏi giữa bãi đá bao la, ở đó những cây ngô xanh tốt, đơm hoa kết bắp. Hốc to vài mét vuông thì được san, cuốc thành luống ngắn, còn hốc nhỏ có khi chỉ gieo được vài ba cây.

Minh chứng cho đổi thay trên cao nguyên đá Tả Phìn hôm nay, ông Mùa A Chinh, Chủ tịch UBND xã Tả Phìn cung cấp cho chúng tôi rành rọt từng con số mà theo ông, đó là thành quả của sự chung sức đồng lòng. Năm 2022, tổng sản lượng lương thực toàn xã đạt 2.156 tấn; trong đó riêng diện tích cây ngô trên núi đá hơn 470ha, năng suất bình quân đạt 24,5 tạ/ha, sản lượng đạt 1.152 tấn. Bình quân lương thực đạt 520kg/người/năm; mỗi năm Tả Phìn giảm từ 3 - 5% hộ nghèo. Để trồng ngô, người dân nơi đây từ trẻ đến già, từ đàn bà đến nam giới cặm cụi gùi đất từ thung sâu đổ vào từng khe đá. Gian nan nhưng đất không phụ công người, những khóm ngô vươn mình trong sương núi để mang ấm no về cho dân bản. Mỗi hạt ngô, hạt thóc là kết tinh của bao nhiêu mồ hôi, ý chí bất khuất và sự cần cù, chịu khó của người dân vùng cao.

Tả Sìn Thàng cũng là vùng đất có 70 - 80% diện tích là núi đá tai mèo. Nếu như trước đây, nhiều diện tích trên núi đá người dân bỏ hoang, nhưng gần đây đều được tận dụng sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, thực hiện chủ trương chuyển đổi cây ngô lai thay thế cho một số loại cây trồng năng suất bấp bênh, kém hiệu quả đã mở ra hướng sản xuất mới, giúp người dân Tả Sìn Thàng không chỉ canh tác hiệu quả trên diện tích đất dốc mà cả trên núi đá. Cây ngô lai đã và đang mang lại ấm no cho người dân Tả Sìn Thàng. Hàng năm, ngô lai mang lại thu nhập trung bình cho bà con từ 10 - 15 triệu đồng/vụ.

Người dân Tủa Chùa trồng ngô trên núi đá. Ảnh: Văn Tâm

Đã 4 năm nay gia đình anh Vàng Dìn Sềnh ở xã Tả Sìn Thàng được Nhà nước hỗ trợ giống ngô lai và được cán bộ khuyến nông huyện hướng dẫn cách gieo trồng cũng như chăm sóc. Năng suất ngô của gia đình anh Sềnh luôn đạt cao hơn rất nhiều so với giống ngô địa phương mà gia đình anh trồng những năm trước. Giống ngô lai phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, khả năng chịu hạn và kháng bệnh cao. Từ khi trồng ngô lai giúp gia đình anh Sềnh giảm khó khăn rất nhiều.

Ông Phạm Quốc Đạt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Các xã phía Bắc huyện Tủa Chùa có địa hình núi cao, hiểm trở, khan hiếm nguồn nước, sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, không chịu khuất phục, người dân đã bền bỉ gùi từng chút đất đổ vào hốc đá và sử dụng những giống ngô cho năng suất cao để trồng nên diện tích cũng như sản lượng ngô tăng lên hàng năm. Trong tổng diện tích ngô toàn huyện gần 5.200ha, thì địa bàn các xã vùng núi đá chiếm 70%, năng suất tăng từ 15 tạ/ha (năm 2010) lên 30 tạ/ha (2022).

Từ những nương đá, hốc đá khô cằn, người dân Tủa Chùa đã trồng lên những bụi ngô, khóm lúa xanh tốt. Sắc xám đen lạnh lẽo của đá tai mèo đã được phủ bằng màu xanh no ấm. Một mùa xuân mới đang đến. Sau Tết Nguyên đán, những hốc đá lại được dọn dẹp, chuẩn bị cho một mùa gieo hạt... Mời du khách thập phương đến với Tủa Chùa để chứng kiến sức sống mãnh liệt vươn lên từ đá!

Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top