Xuất khẩu lao động khởi sắc

11:20 - Thứ Bảy, 31/12/2022 Lượt xem: 4662 In bài viết

ĐBP - Năm 2022, khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, lĩnh vực xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại tỉnh ta đã khởi sắc trở lại. Tín hiệu tích cực này góp phần giải quyết việc làm, thực hiện mục tiêu giảm nghèo, nâng cao thu nhập, đời sống người dân.

Đoàn viên, thanh niên tìm hiểu thông tin xuất khẩu lao động của các doanh nghiệp tại Hội chợ Việc làm TP. Điện Biên Phủ năm 2022.

Hai năm trước do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, kết quả thực hiện chỉ tiêu đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh không cao. Tuy nhiên, năm 2022 hoạt động XKLĐ đã có nhiều tín hiệu tích cực. Theo kết quả tra cứu trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Giới thiệu việc làm và báo cáo từ UBND các huyện, thị, thành phố, năm 2022, toàn tỉnh có 157 người đi xuất khẩu lao động, tăng 348,9% so với năm 2021. Trong đó, người lao động tiếp tục lựa chọn các nước có việc làm ổn định, thu nhập cao để đăng ký XKLĐ như: Trên 61% lao động tham gia XKLĐ tại Nhật Bản và Hàn Quốc với thu nhập bình quân từ 25 - 30 triệu đồng/người/tháng; trên 31% lao động tham gia XKLĐ tại Đài Loan với thu nhập bình quân từ 18 - 30 triệu đồng/người/tháng; khoảng 7% lao động làm việc tại Singapore, Hồng Kông, Malaysia...

Để đạt được kết quả trên, ngay từ đầu năm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã xác định rõ giải quyết việc làm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành; trong đó có lĩnh vực XKLĐ. Triển khai thực hiện, Sở đã chủ động làm việc với một số doanh nghiệp có uy tín, được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài để xây dựng phương án, kế hoạch, giải pháp tuyên truyền, tư vấn tuyển chọn và tạo nguồn. Đồng thời, lựa chọn những thị trường có thu nhập cao như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Đức... để khai thác, tư vấn cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, nghiên cứu, vận dụng tối đa các chính sách hỗ trợ của Trung ương, địa phương, doanh nghiệp hỗ trợ người lao động khi đăng ký tham gia; lựa chọn nhiều ngành nghề, trình độ tư vấn cho người dân. Trên cơ sở đó, Sở đã cùng với các doanh nghiệp mở rộng, đa dạng hình thức tuyên truyền, tư vấn nhằm nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của XKLĐ.

Hiện nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận, thẩm định, ban hành văn bản cho phép, giới thiệu đến các huyện, thị xã, thành phố 13 doanh nghiệp. Với nhu cầu tuyển trên 900 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, việc làm ổn định, thu nhập cao. Thực hiện công tác phối hợp với doanh nghiệp tuyển dụng XKLĐ, các hội nghị tư vấn, tuyên truyền, phiên giao dịch việc làm, hội chợ việc làm được tích cực triển khai. Từ đó, giúp cho người lao động tại các huyện nắm bắt được thông tin về việc làm và XKLĐ; có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp với năng lực, trình độ, có thu nhập và ổn định cuộc sống.

Năm 2022, toàn tỉnh đã tổ chức 5 hội chợ việc làm với 53 đơn vị, doanh nghiệp và trên 3.622 người tham gia. Trung tâm Giới thiệu việc làm tổ chức 57 hội nghị tư vấn, tuyên truyền, tuyển chọn lao động với 3.956 lượt người nghe; 42 phiên giao dịch việc làm lưu động tư vấn, định hướng nghề nghiệp giới thiệu việc làm, học nghề cho lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại các xã, với 2.730 lượt người; 25 buổi nói chuyện chuyên đề tại các trường THPT, Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên với trên 5.500 học sinh, sinh viên tham gia. Cùng với đó, triển khai, thông tin tuyên truyền chương trình thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản; thực tập sinh hộ lý Nhật Bản; chương trình tuyển chọn điều dưỡng viên sang học tập và làm việc tại Đức; tổ chức cho người lao động của tỉnh có nhu cầu đăng ký dự thi tiếng Hàn theo chương trình EPS năm 2022 trong ngành nông nghiệp, ngư nghiệp. Ngoài tư vấn, tuyển dụng qua Trung tâm Giới thiệu việc làm, nhiều doanh nghiệp XKLĐ trong nước đã về các địa phương tuyển dụng và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Qua kết nối của Trung tâm Giới thiệu việc làm, Nguyễn Trung Hoàng Đạt, bản Bua, xã Ẳng Tở (huyện Mường Ảng) đã xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS vào giữa tháng 4/2022. Kết nối qua zalo, Đạt chia sẻ: Được định hướng lựa chọn phù hợp nên khi sang bên này, tôi làm việc trong dây chuyền chế biến thực phẩm. Hàng tháng, tôi được hỗ trợ tiền thuê nhà, điện nước và có xe đưa đón mỗi ngày đến nơi làm việc. Trừ chi phí sinh hoạt, mỗi tháng tôi tiết kiệm được hơn 15 triệu đồng gửi về cho gia đình.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Thực hiện tốt công tác XKLĐ, thời gian tới, Sở tiếp tục chủ động phối hợp các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị, thành phố tuyên truyền về công tác XKLĐ; khảo sát nhu cầu việc làm của lao động để phối hợp với doanh nghiệp XKLĐ tổ chức tư vấn, giúp lao động lựa chọn công việc phù hợp theo lứa tuổi, trình độ. Cùng với đó, tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt việc hỗ trợ người lao động vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; tăng cường phối hợp với UBND cấp huyện, cơ quan chức năng và đơn vị có liên quan kiểm tra, giám sát các hoạt động của doanh nghiệp tuyển dụng lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài, nhằm sớm phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các doanh nghiệp, cá nhân “môi giới”, “lừa đảo”. Hiện nay, trên trang thông tin của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trang thông tin của Sở đều đăng tải đầy đủ thông tin các doanh nghiệp được cấp phép đưa người đi lao động tại nước ngoài, cũng như các thông tin liên quan đến thủ tục cần thiết để đi lao động tại nước ngoài. Từ đó, giúp người lao động tìm hiểu thông tin nhanh và hiệu quả nhất. Vì thế, về phía người lao động, sở khuyến cáo cần tìm hiểu kỹ thông tin, lựa chọn các doanh nghiệp được cấp phép để tránh những rủi ro về tài chính.

Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top