Bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động

15:29 - Thứ Ba, 03/01/2023 Lượt xem: 3920 In bài viết

Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam yêu cầu các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc thực hiện một số nhiệm vụ nhằm bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động và duy trì ổn định, phát triển quan hệ lao động, thị trường lao động an toàn, bền vững...

Theo đó, LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc cần tham gia tích cực với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến thị trường lao động; phát triển kinh tế, doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh; thúc đẩy tạo việc làm, bảo đảm thu nhập và ổn định đời sống cho người lao động; Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương; sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Xây dựng cơ sở dữ liệu về lao động, việc làm của địa phương. Thực hiện các hoạt động kết nối cung cầu lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động cũng như các biện pháp ổn định quan hệ lao động, phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh tranh chấp lao động và bỏ việc làm; giải quyết thỏa đáng, có hiệu quả các cuộc tranh chấp lao động, các yêu cầu phát sinh, không để tranh chấp kéo dài, giải quyết không dứt điểm gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Nhiều nhiệm vụ, giải pháp được Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc triển khai nhằm bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động 

Chủ động chỉ đạo, triển khai trong hệ thống công đoàn các nhiệm vụ, giải pháp: Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đoàn viên, người lao động tích cực tham gia phong trào thi đua học tập, rèn luyện nâng cao trình độ kỹ năng nghề, học tập suốt đời; Chỉ đạo các LĐLĐ quận, huyện, thị xã, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, các Trung tâm tư vấn pháp luật, văn phòng tư vấn pháp luật, Trung tâm tư vấn pháp luật và hỗ trợ người lao động tổ chức các hoạt động tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý nhằm tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn đoàn viên, người lao động về các quy định của pháp luật, quyền và nghĩa vụ của mình trong quan hệ lao động và hỗ trợ giải quyết các nhu cầu về pháp luật, pháp lý cho đoàn viên, người lao động.

Tăng cường phối hợp, tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động có nhu cầu; kết nối, chia sẻ thông tin giữa các công đoàn cấp trên, giữa các công đoàn cơ sở thuộc phân cấp quản lý để giới thiệu việc làm cho người lao động bị mất việc làm, có nhu cầu tìm kiếm việc làm.

Chỉ đạo, hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc phân cấp quản lý xây dựng, triển khai các chương trình đào tạo phù hợp nhu cầu của thị trường để hỗ trợ người lao động chuyển đổi việc làm, nghề nghiệp.

Chỉ đạo các cấp công đoàn tăng cường hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể cấp doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp, ngành, trong đó chú trọng các nội dung về tiền lương, tiền thưởng, bữa ăn ca, bảo đảm duy trì việc làm cho người lao động; tham gia các phương án sản xuất kinh doanh, sắp xếp, sử dụng lao động hợp lý; giải quyết chế độ cho người lao động theo đúng quy định pháp luật.

Tăng cường các kênh tiếp nhận thông tin từ công đoàn cơ sở, các biện pháp phòng ngừa tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể. Khi xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng hỗ trợ, hướng dẫn các bên đối thoại, thương lượng giải quyết, xử lý nhanh nhất, không để kéo dài, lây lan, để các thế lực thù địch, cơ hội lợi dụng kích động, gây mất an ninh trật tự, an ninh chính trị và an toàn xã hội.

Cùng với đó, triển khai các giải pháp chủ động thực hiện và đề xuất thực hiện bảo đảm việc làm, chăm lo đời sống và an sinh xã hội cho người lao động trong dịp Tết Dương lịch 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 như: Nắm đầy đủ, kịp thời tình hình khó khăn, thiếu, cắt giảm đơn hàng của các doanh nghiệp, số lượng người lao động bị giảm thời giờ làm việc, nghỉ hưởng lương ngừng việc, nghỉ không hưởng lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động; nhu cầu tiếp tục tìm kiếm việc làm, học nghề, chuyển đổi nghề hoặc về quê của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động; các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, có chủ bỏ trốn dẫn đến nợ lương, nợ BHXH, BHYT, BHTN.

Chủ động phối hợp với các tổ chức đại diện, hiệp hội người sử dụng lao động đề xuất với tỉnh, thành ủy, cấp ủy, UBND tỉnh, thành phố, chính quyền và chuyên môn cùng cấp triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, giữ việc làm cho người lao động; có các chính sách hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, nhất là lao động nữ, trong thời kỳ thai sản, nuôi con nhỏ, lao động từ 35 tuổi trở lên, lao động có hoàn cảnh khó khăn… hợp bị giảm giờ làm, mất việc làm.

Tổ chức các buổi gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp, người lao động, tổ chức công đoàn để trao đổi, thảo luận tình hình khó khăn của doanh nghiệp, người lao động và lắng nghe, kiến nghị từ các bên để đưa ra các giải pháp khắc phục, vượt qua khó khăn; tham gia giám sát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật của doanh nghiệp đối với người lao động, đặc biệt là việc xây dựng, thực hiện phương án sử dụng lao động, chi trả chế độ đối với người lao động trong trường hợp phải chấm dứt hợp đồng lao động với nhiều người lao động.

Tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho người lao động bị mất việc làm; kết nối các doanh nghiệp có cùng ngành nghề, cùng địa phương, khu vực có nhu cầu tuyển dụng lao động để giới thiệu việc làm cho người lao động.

Tổ chức các hoạt động chăm lo kịp thời từ nguồn hỗ trợ của các cấp chính quyền và nguồn xã hội hóa đối với người lao động bị mất việc làm, có hoàn cảnh khó khăn.

Các địa phương, đơn vị có nhiều đoàn viên, người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm căn cứ nguồn lực tài chính công đoàn để thực hiện hỗ trợ phù hợp cho đoàn viên, người lao động tại các doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn mà bị giảm giờ làm việc hoặc đang ngừng việc có hưởng lương mà tiền lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định; nghỉ việc không hưởng tiền lương hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động mà không có tiền lương, thu nhập; bị chấm dứt hợp đồng lao động...

Theo ĐCSVN
Bình luận

Tin khác

Back To Top