Theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển

15:34 - Thứ Ba, 03/01/2023 Lượt xem: 3494 In bài viết

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển, lốc, sét để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Các địa phương cần theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển (Ảnh minh họa: TTXVN)

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, ngày và đêm 3-4/1, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8, sóng biển cao 3-5m, biển động mạnh. Vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 5-6, giật cấp 7, sóng biển cao 1,5-3m. Vùng biển từ Quảng Trị đến Bình Thuận, khu vực giữa Biển Đông và vùng biển phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 2-4m, biển động.

Khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 2.

Về tình hình mưa, ngày và đêm 3/1, khu vực từ Quảng Bình đến Khánh Hòa có mưa, mưa rào và có nơi có dông, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa 10-30mm, có nơi trên 50mm. Từ ngày 5-7/1, trên khu vực từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện một đợt mưa vừa, mưa to trên diện rộng. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại khu vực trũng, thấp. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét: cấp 1.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển, lốc, sét để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Tiếp tục thực hiện công văn số 642/VPTT ngày 26/12/2022 của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo, trong đó tập trung ứng phó với gió mạnh trên biển.

Ngoài ra, tổ chức trực ban, thường xuyên nắm bắt tình hình thiên tai; báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Theo ĐCSVN
Bình luận
Back To Top