Sau “an cư” là “lạc nghiệp”

07:40 - Thứ Ba, 10/01/2023 Lượt xem: 3608 In bài viết

ĐBP - Tròn 1 năm, kể từ ngày hơn 1.000 hộ nghèo ở Điện Biên Đông được chuyển về ở trong những ngôi nhà mới khang trang do Bộ Công an hỗ trợ. Có “an cư” mới “lạc nghiệp”, với những hộ nghèo, điều đó lại càng có ý nghĩa hơn, bởi ngôi nhà mới không chỉ đơn thuần là chỗ che mưa, che nắng mà còn là động lực tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để người dân yên tâm vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo và từng bước xây dựng cuộc sống ổn định.

Người dân bản Tìa Ghếnh C, xã Keo Lôm (huyện Điện Biên Đông) trong ngôi nhà mới.

Đổi thay dưới những nếp nhà

Chúng tôi đến trung tâm xã Chiềng Sơ (huyện Điện Biên Đông) khi trời đã gần trưa. Biết chúng tôi đến tìm hiểu thông tin về cuộc sống đổi thay của những hộ dân sau khi được hỗ trợ làm nhà ở, Chủ tịch UBND xã Chiềng Sơ Lường Văn Thế phấn khởi chia sẻ: Cả xã có 233 hộ được Bộ Công an hỗ trợ làm nhà đợt đầu năm thì đến nay đã có hơn 20 hộ thoát nghèo. Nhiều gia đình được hỗ trợ về nhà ở đã chủ động tìm và tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho bản thân và gia đình.

Minh chứng cho lời nói của mình, Chủ tịch UBND xã Chiềng Sơ đã bố trí người đưa chúng tôi “mục sở thị” sự đổi thay dưới những nếp nhà. Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là bản Kéo, nơi có 99% đồng bào Xinh Mun sinh sống. Cả bản có gần 140 hộ thì có 45 hộ được hỗ trợ làm nhà. Ở bản Kéo bây giờ người dân không còn nỗi lo làm sao để chắn gió che mưa mỗi mùa mưa bão, mà nhà nhà cùng chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế.

Điển hình là chị Lò Thị Hơn, một trong những hộ mới thoát nghèo của bản. Chị Lò Thị Hơn chia sẻ: “Sau khi chuyển về ở trong ngôi nhà mới kiên cố, không còn gánh nặng về nhà ở, vợ chồng tôi có thêm động lực phát triển sản xuất cải thiện cuộc sống. Tháng 3 đầu năm nay, thông qua kênh Hội Phụ nữ xã tôi được vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để chăn nuôi lợn thương phẩm. Lứa đầu tiên cho thu lãi hơn 10 triệu đồng và trả được một phần nợ ngân hàng. Thời điểm này, lứa lợn thứ hai cũng chuẩn bị cho xuất chuồng. Tiền lãi thu được một phần sẽ để quay vòng vốn nuôi lứa lợn tiếp theo, phần còn lại sắm sửa để gia đình có một cái tết đủ đầy hơn.

Rời Chiềng Sơ, chúng tôi đến với xã Luân Giói. Ở một địa bàn còn nhiều khó khăn, với 100% dân số là đồng bào dân tộc Thái, việc 88 hộ nghèo trên địa bàn xã được hỗ trợ làm nhà có ý nghĩa hết sức thiết thực.

Sau khi ổn định chỗ ở trong ngôi nhà mới, anh Quàng Văn Cường, bản Na Ản, xã Luân Giói đã đi học lái máy xúc rồi về làm thuê cho một doanh nghiệp tại địa phương với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Không chỉ mua được chiếc xe máy làm phương tiện đi lại, trong ngôi nhà khang trang, nhiều đồ dùng tiện nghi phục vụ cuộc sống sinh hoạt như ti vi, tủ lạnh cũng được anh Cường sắm sửa đầy đủ.

Không riêng gia đình anh Cường, chị Hơn, hơn 1.000 căn nhà được trao tặng, đồng nghĩa với việc hơn 1.000 gia đình trên địa bàn huyện Điện Biên Đông được cải thiện cuộc sống, hàng nghìn người có nơi ăn, chốn ở đàng hoàng, không còn phải lo gánh nặng về nhà ở. Cũng từ đây, người dân bảo nhau yên tâm lao động, sản xuất vươn lên thoát nghèo. Những ngôi nhà mới được dựng lên giữa đại ngàn đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân là nhịp cầu nối liền ý Đảng với lòng dân.

Đồng hành cùng người dân

Bên cạnh sự nỗ lực của mỗi gia đình, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở ở Điện Biên Đông thường xuyên quan tâm, ưu tiên các nguồn lực hỗ trợ các gia đình tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Điều này thể hiện rõ nhất ở việc quan tâm, hỗ trợ người dân được đào tạo nghề, giới thiệu đi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài địa bàn, xuất khẩu lao động… Được biết, trong tổng số 1.040 hộ được hỗ trợ về nhà ở, đến nay đã có 331 lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài tỉnh; 63 lao động được tạo việc làm mới; 71 lao động được đào tạo nghề.

Thời gian qua huyện Điện Biên Đông tiếp tục mời gọi và thu hút được một số doanh nghiệp đến đầu tư trồng cây mắc ca, với tổng diện tích được phê duyệt trên 24.238ha. Các dự án trồng mắc ca đã tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 300 lao động địa phương, với mức thu nhập dao động từ 5 - 12 triệu đồng/tháng (tùy từng vị trí công việc). Trong đó, có cả lao động thuộc những hộ được hỗ trợ nhà ở trên. Điều đó đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống người dân.

Được hỗ trợ sinh kế, cuộc sống ổn định, nhiều hộ dân tích cực tham gia các phong trào đấu tranh tố giác tội phạm. Theo thống kê của huyện Điện Biên Đông, từ đầu năm đến nay, trong số những hộ được hỗ trợ nhà ở đã có 8 người tham gia vào các tổ bảo vệ an ninh trật tự của bản và 30 người tham gia tố giác tội phạm.

Trong câu chuyện về cuộc sống đổi thay của các hộ dân sau 1 năm được hỗ trợ nhà ở do Bộ Công an phát động, đồng chí Mùa A Vảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Huyện ủy Điện Biên Đông phấn khởi chia sẻ với chúng tôi: Trong số 1.040 hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà, đến nay đã có 246 hộ thoát nghèo. Điều đó góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm thêm 5,2% trong năm 2022, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa VI đề ra. Những ngôi nhà mới được dựng lên thay thế cho những ngôi nhà tạm, nhà dột nát còn giúp huyện cơ bản đạt được tiêu chí số 9 về nhà ở nông thôn theo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng tỷ lệ bình quân tiêu chí nông thôn mới đạt 11,85 tiêu chí/xã. Việc làm ý nghĩa này sẽ góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, đồng bào các dân tộc thiểu số tiếp tục bám đất, bám bản, yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống; củng cố niềm tin của nhân dân.

Thu Hằng
Bình luận

Tin khác

Back To Top