Đào tạo lái xe gặp khó vì quy định mới

09:25 - Thứ Sáu, 13/01/2023 Lượt xem: 6069 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đào tạo, sát hạch lái xe của Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe cơ giới đường bộ (Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên). Thêm vào đó, từ ngày 15/6/2022, Thông tư số 04/2022/TT-BGTVT ngày 22/4/2022 của Bộ Giao thông vận tải ban hành sửa đổi, bổ sung một số quy định mới khiến cơ sở đào tạo lái xe rơi vào cảnh “khó chồng khó”. Thực tế đó làm cho số lượng học viên có nhu cầu học bằng lái xe sụt giảm, bởi những yêu cầu, quy định ngày càng chặt chẽ…

Học viên thực hành lái xe trong hình hạng B2 tại Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe cơ giới đường bộ tỉnh Điện Biên.

Theo quy định của Bộ Giao thông vận tải, tất cả cơ sở đào tạo lái xe trong toàn quốc đều phải lắp đặt giám sát thời gian và quãng đường trên xe tập lái. Việc lắp đặt thiết bị này nhằm giám sát việc thực hành của học viên, yêu cầu lái xe hạng B2 thực hiện tập lái quãng đường dài 810km; đối với hạng C là 825km. Các dữ liệu này sẽ được truyền trực tiếp về Tổng cục Đường bộ Việt Nam; tuy nhiên đối với địa bàn nhiều đồi núi như ở Điện Biên, việc giám sát trên quãng đường tập lái có thể không truyền được toàn bộ mà bị gián đoạn do mất sóng. Ngoài ra còn nhiều rủi ro khác bởi học viên phải thực hành trên đường nhiều hơn nhiều lần so với trước kia.

Ông Hoàng Văn Bình, giáo viên Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe cơ giới đường bộ (Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên) chia sẻ: “Khi áp dụng quy định mới, học viên sẽ phải thực hành trên đường nhiều hơn nên đối với địa phương có địa hình chia cắt, nhiều đèo dốc như Điện Biên thì các cung đường học lái hết sức nguy hiểm, khiến việc thực hiện hết 810km/học viên gây ra khó khăn cho cả học viên cũng như đội ngũ giáo viên. Đối với nhóm học gồm có 5 học viên, giờ đây, giáo viên phải bỏ ra công sức và chi phí lớn hơn. Đến thời điểm này, Trung tâm đã điều chỉnh học phí, mức lương đội ngũ giáo viên cho phù hợp nhưng cũng không thể đáp ứng theo sự thay đổi giá nhiên liệu; quy định đào tạo mới đi đường nhiều thì hao mòn phương tiện cũng lớn hơn…”.

Kể từ ngày 15/6/2022, quy định mới bổ sung 120 tình huống mô phỏng vào bài thi sát hạch. Đối với các tình huống mô phỏng giao thông này, học viên phải thực hiện bài thi trên máy tính nên đòi hỏi người học cần phải có trình độ nhất định về việc sử dụng công nghệ thông tin, máy vi tính. Với các học viên ở vùng sâu, vùng xa chưa được tiếp cận nhiều với công nghệ cũng là vấn đề khá nan giải. Hiện nay Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe cơ giới đường bộ tỉnh đã lắp đặt hệ thống máy tính để rèn luyện kỹ năng sử dụng công nghệ cho học viên, song nhiều người vẫn gặp khó khăn, đặc biệt với học viên người dân tộc thiểu số. Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu các cơ sở đào tạo lái xe trong toàn quốc phải lắp đặt hệ thống cabin điện tử dùng cho đào tạo lái xe. Như vậy, căn cứ tình hình thực tế, Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe cơ giới đường bộ tỉnh cần lắp đặt 4 cabin điện tử với chi phí dao động từ 400 - 500 triệu đồng/cabin. Trong khi nguồn kinh phí đơn vị phải tự cân đối nên càng khiến hoạt động đào tạo lái xe của Trung tâm thêm khó khăn.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phùng Văn Kiệm, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe cơ giới đường bộ tỉnh, cho biết: “Việc trang bị phần mềm và cabin điện tử vào quy trình đào tạo là một giải pháp để đổi mới công tác sát hạch lý thuyết và thực hành, song với kinh phí đầu tư mỗi bộ cabin có giá khá cao sẽ gây không ít khó khăn cho cơ sở đào tạo sát hạch lái xe. Trong khi đó, hầu hết các đơn vị đều chưa thể phục hồi “sức khỏe” tài chính sau ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Mặt khác, hiện nay cả nước mới có 2 đơn vị đủ điều kiện, hợp quy, hợp chuẩn liên quan đến việc lắp đặt cabin điện tử. Chính vì vậy, theo quy định bắt đầu từ ngày 1/1/2023, các cơ sở đào tạo lái xe trong toàn quốc phải lắp đặt hệ thống cabin điện tử dùng cho đào tạo lái xe rất khó thực hiện. Không chỉ khó khăn về nguồn lực tài chính mà còn liên quan đến các quy trình mua sắm, chưa có nhiều nhà cung cấp nên chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm có giải pháp hợp lý đối với quy định lắp đặt các cabin điện tử…”.

Ngoài “rào cản” từ những quy định mới, giá xăng dầu, nhiên liệu đầu vào liên tục tăng cũng tác động không nhỏ đến hoạt động đào tạo lái xe của đơn vị. Trước thực tế đó, Trung tâm phải điều chỉnh mức học phí theo hướng tăng nhưng cũng tính toán để không ảnh hưởng nhiều đến học viên. Học phí tăng, nhiều quy định ràng buộc nên nhiều người chưa mặn mà với việc đăng ký học bằng lái xe. 6 tháng cuối năm 2022 lượng học viên của Trung tâm giảm hơn 60% so với 6 tháng đầu năm. Ông Kiệm cho biết thêm: Đến hết năm 2022, Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe cơ giới đường bộ đã đào tạo 2.073 học viên; trong đó có 1.746 học viên lái xe hạng B2 và 305 học viên lái xe hạng C; bồi dưỡng nâng hạng 22 học viên từ B2 lên C. Thế nhưng, 6 tháng cuối năm 2022 con số đào tạo chỉ có hơn 600 học viên; giảm hơn 60% so với 6 tháng đầu năm.

Thực tế, Thông tư số 04/2022/TT-BGTVT ngày 22/4/2022 của Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ chính thức có hiệu lực từ ngày 15/6/2022 song đã gây ra không ít khó khăn với cả cơ sở đào tạo và học viên. Nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, cấp giấy phép lái xe, mong rằng cơ quan chức năng sẽ có các giải pháp phù hợp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Qua đó giúp Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe cơ giới đường bộ tỉnh Điện Biên nói riêng và các cơ sở đào tạo lái xe trong toàn quốc nói chung sớm vượt qua giai đoạn khó khăn, từng bước nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác đào tạo, sát hạch lái xe trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận

Tin khác

Back To Top