Quan tâm hỗ trợ dạy nghề cho nông dân huyện Điện Biên

10:35 - Chủ Nhật, 15/01/2023 Lượt xem: 4281 In bài viết

ĐBP - Nhằm đáp ứng yêu cầu học nghề, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người nông dân, thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lực lượng lao động nông thôn trên địa bàn huyện Điện Biên luôn được cấp ủy, chính quyền các địa phương chú trọng. Trong đó, việc đa dạng hóa và đổi mới các hình thức đào tạo mà Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện đang thực hiện giúp cho nhiều hội viên, nông dân có thêm kiến thức, kỹ năng ứng dụng vào sản xuất, chăn nuôi để cải thiện thu nhập.

Học viên được hướng dẫn cách chế biến thức ăn cho trâu, bò.

Những ngày đầu tháng 12/2022, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Điện Biên đã tổ chức bế giảng 2 lớp sơ cấp nghề cho lao động nông thôn tại 2 xã: Thanh Nưa và Thanh Chăn. Tại Xã Thanh Nưa, với phương châm “cầm tay chỉ việc”, lớp sơ cấp nghề “Kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho gia cầm” đã thu hút được 35 học viên là nông dân trên địa bàn xã tham gia. Tại lớp học này, trên những khu chăn nuôi của bà con, nông dân được giáo viên hướng dẫn cụ thể phương pháp làm chuồng trại, kỹ thuật sử dụng đệm lót sinh thái, chế biến tổ hợp khẩu phần ăn cho từng giai đoạn phát triển của đàn gia cầm, cách vệ sinh phòng trị bệnh. Sau 3 tháng học tập trên tinh thần học để nâng cao tay nghề, trình độ, các học viên được công nhận tốt nghiệp, với tỷ lệ hơn 80% đạt khá, giỏi.

Nhiều học viên sau khi tham gia lớp học cho biết, trước đây người dân thường nuôi gia cầm theo phương pháp truyền thống, không nắm được các quy trình kỹ thuật, cách chọn giống, cách sử dụng thuốc thú y nên chi phí sản xuất cao, năng suất thấp lại gây ô nhiễm môi trường. Từ khi được tham dự lớp dạy nghề, đã giúp nông dân trên địa bàn xã thu thập được nhiều thông tin bổ ích, tạo động lực để người dân mạnh dạn đầu tư sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho gia đình. Nếu trước khi tham gia lớp dạy nghề, nhiều hộ dân xã Thanh Nưa chỉ nuôi từ 20 - 50 con gà thì từ sau khóa học, đã có rất nhiều hộ mở rộng quy mô chăn nuôi lên hàng trăm con.

Được biết, trong năm 2022, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Điện Biên đã tổ chức, triển khai thực hiện và hoàn thành 7 lớp nghề với 235 học viên ở các trình độ thường xuyên và sơ cấp tại 6 xã của huyện Điện Biên. Nội dung trọng tâm của các lớp học tập trung hướng dẫn cho hội viên nông dân kỹ thuật trồng các loại cây ăn quả, trồng nấm, kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm… Tất cả các lớp học đều được thực hiện theo phương thức "cầm tay chỉ việc", giúp học viên dễ dàng tiếp thu kiến thức vào thực tiễn sản xuất, nâng cao hiệu quả việc làm sẵn có tại địa phương.

Bế giảng lớp sơ cấp nghề phòng, trị bệnh cho trâu, bò, tại xã Thanh Chăn.

Đơn cử, đối với lớp trồng cây ăn quả, học viên được tìm hiểu về giá trị kinh tế của các loại cây ăn quả, được hướng dẫn cách lựa chọn giống cây ăn quả, kỹ thuật nhân giống, ghép giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây, cách thu hoạch và bảo quản các loại quả. Được học lý thuyết, đồng thời thực hành ngay tại vườn từ khâu làm đất đào hố, chuẩn bị phân bón và xuống giống, việc chăm sóc và phòng trừ các loại sâu bệnh hại trên cây ăn quả theo thời kỳ sinh trưởng. Với lớp trồng nấm, học viên được giảng viên hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng các loại nấm thực phẩm và nấm dược liệu, như: nấm sò, nấm rơm, mộc nhĩ. Kỹ thuật và phương pháp xử lý nguyên liệu, nuôi cấy meo giống. Kỹ thuật ươm sợi nấm, cách chăm sóc nấm trong quá trình sinh trưởng, thu hoạch. Phương pháp sơ chế và bảo quản nhằm nâng cao chất lượng nấm thương phẩm. Kỹ năng lựa chọn loại nấm thích hợp theo mùa vụ và nhu cầu thị trường để nuôi trồng nấm.

Sau khi tham gia lớp dạy nghề trồng nấm, chị Lò Thị Bản, ở bản Phiêng Ban, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên đã có thể tự mình hoàn thành những giá thể trồng nấm sò, đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật. Theo chị Bản, trồng nấm tuy là nghề phụ nhưng lại là nguồn thu chính của gia đình chị trong thời gian nông nhàn. Chỉ cần tận dụng gầm sàn, dọn dẹp sạch sẽ, quây kín bạt là đã có diện tích để trồng nấm. Trong thời gian 45 ngày cho một quy trình khép kín: từ khi ngâm ủ, cấy giống, đến khi cho thu hoạch, với giá thành trên thị trường trung bình từ 50.000 - 60.000 đồng/1kg nấm. Như vậy, chỉ phải đầu tư kinh phí khoảng 1,2 triệu đồng cho các chi phí mua vôi bột để khử khuẩn rơm rạ và giống, với hơn 15m2 trồng nấm gia đình chị thu về khoảng 5 triệu đồng tiền lãi.

Hiệu quả của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Điện Biên có thể nhận thấy rõ, qua thay đổi nhận thức của người nông dân. Những kiến thức đã tiếp thu được từ các lớp đào tạo nghề, từng bước giúp cho người nông dân xóa bỏ phương thức canh tác, chăn nuôi lạc hậu, mạnh dạn đầu tư sản xuất theo các biện pháp thâm canh mới, để nâng cao thu nhập từ chính đồng ruộng và chuồng trại của gia đình mình.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận

Tin khác

Back To Top