Kiên quyết xóa tiêu cực trong đăng kiểm

14:36 - Thứ Sáu, 03/02/2023 Lượt xem: 5769 In bài viết

Rà soát toàn bộ hệ thống văn bản, đề xuất sửa đổi theo hướng tăng cường quản lý, siết chặt điều kiện kiểm định; tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị đăng kiểm qua camera, dữ liệu kiểm định; áp dụng công nghệ mới trong kiểm định, có khả năng tự động hóa nhằm ngăn ngừa tác động của con người... Đó là những giải pháp sẽ được Cục Đăng kiểm Việt Nam triển khai trong năm 2023 nhằm kiên quyết loại bỏ tiêu cực trong kiểm định xe cơ giới.

Hoạt động đăng kiểm tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-10D (quận Hoàng Mai). Ảnh: Tuấn Khải

“Cơn bão” tiêu cực đăng kiểm xe cơ giới

Từ cuối tháng 12-2022 đến nay, đã có hơn 180 người gồm lãnh đạo các trung tâm và "cò" đăng kiểm bị cơ quan công an điều tra, khởi tố với cáo buộc hối lộ, nhận hối lộ để bỏ qua lỗi của ít nhất 70.000 phương tiện. Điều đáng nói, vi phạm không chỉ xảy ra tại một vài trung tâm đăng kiểm hay một vài địa phương mà đã lan rộng ra nhiều tỉnh, thành như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Hòa Bình, Đồng Nai… Theo cơ quan điều tra, đã có hơn 30 đơn vị đăng kiểm bị cáo buộc có sai phạm.

Mới nhất, ngày 31-1, Công an huyện Thanh Trì đã khởi tố, tạm giam giám đốc, 2 phó giám đốc, 10 đăng kiểm viên của Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-01V (xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì) để điều tra tội danh nhận hối lộ. Theo điều tra ban đầu, để được đăng kiểm nhanh, chủ ô tô khi đến làm thủ tục thường để 100-200 nghìn đồng trong xe. Ai không chủ động, các đăng kiểm viên sẽ "gợi ý". Khi phát hiện thêm lỗi của xe, đăng kiểm viên sẽ yêu cầu đưa thêm tiền để được "cho qua". Các hành vi vi phạm trên cũng là sai phạm chủ yếu tại hầu hết các trung tâm đăng kiểm đang bị điều tra. Việc này làm sai lệch kết quả kiểm định, xe vẫn được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm dù không đủ điều kiện, tiêu chuẩn an toàn.

Trước đó, Công an thành phố Hồ Chí Minh đã khám xét 13 trung tâm, khởi tố 6 vụ án với 89 bị can về các tội nhận hối lộ, môi giới hối lộ, giả mạo trong công tác và sản xuất, mua bán công cụ, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật. Hai cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam là Đặng Việt Hà và Trần Kỳ Hình bị bắt về hành vi nhận hối lộ.

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thắng đánh giá, đây là lỗi rất lớn, xảy ra từ rất lâu, giống như "ung thư di căn". Các vi phạm trong lĩnh vực đăng kiểm là nghiêm trọng, nhiều cán bộ đã nhận hối lộ, gian dối trong kiểm định. Lỗi lớn hơn là thông đồng, cấu kết cùng với những người phạm tội để lưu thông phương tiện không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Siết chất lượng hoạt động đăng kiểm

Nhiều ý kiến cho rằng, để vi phạm diễn ra trên diện rộng và kéo dài nhiều năm là do hoạt động đăng kiểm xe cơ giới đang bộc lộ nhiều lỗ hổng. Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 8-10-2018 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới đã tạo thay đổi lớn trong hoạt động kiểm định phương tiện. Số đơn vị đăng kiểm xã hội hóa tăng mạnh. Nếu năm 2018, toàn quốc có 172 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới thì đến năm 2022 đã tăng lên tới 280 trung tâm, trong đó 196 đơn vị hoạt động theo hình thức xã hội hóa, chiếm 70%.

Số trung tâm đăng kiểm tăng đã đáp ứng nhu cầu kiểm định của xe cơ giới, chủ xe giảm thời gian chờ đợi. Tuy nhiên, việc phát triển ồ ạt các đơn vị đăng kiểm theo hình thức xã hội hóa đã dẫn tới tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các trung tâm, thậm chí làm sai quy chuẩn, quy định, bỏ nội dung, hạng mục kiểm tra.

Vậy, cách nào siết chất lượng hoạt động đăng kiểm? Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Vũ Hải cho biết, năm 2023, Cục sẽ rà soát toàn bộ hệ thống văn bản về kiểm định xe cơ giới, đề xuất sửa đổi theo hướng tăng cường quản lý, siết chặt điều kiện kiểm định, điều chỉnh quy định còn bất cập, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp khi đi kiểm định. Cùng với đó, việc kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm định đối với các đơn vị đăng kiểm qua camera, dữ liệu kiểm định sẽ được tăng cường. Cục sẽ tiếp tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; nghiên cứu áp dụng công nghệ mới trong kiểm định, như: Nhận diện biển số; đo kích thước xe tự động; kiểm tra khí thải; đổi mới thiết bị, công nghệ có khả năng tự động hóa nhằm ngăn ngừa tác động của con người...

Còn Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, Cục Đăng kiểm Việt Nam phải tập trung vào 4 vấn đề lớn. Thứ nhất là tham mưu, đề xuất sửa đổi, ban hành quy định liên quan đến đăng kiểm. Thứ hai là vấn đề con người, lãnh đạo phải có cả năng lực, trình độ, đạo đức. Thứ ba là tăng cường cơ sở vật chất các đơn vị đăng kiểm bởi nhiều nơi không đủ điều kiện, thiết bị nhưng vẫn hoạt động. Thứ tư là chú trọng việc tổ chức vận hành, đạo đức công vụ. Đặc biệt, Cục Đăng kiểm Việt Nam phải xây dựng các quy định, tổ chức thanh tra, kiểm tra; xử lý nghiêm các trung tâm đăng kiểm, rút giấy phép, thậm chí chuyển hồ sơ sang Bộ Công an điều tra với những đơn vị sai phạm.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top