Bảo hiểm thất nghiệp cần rõ vai trò là công cụ quản trị thị trường lao động

14:45 - Thứ Ba, 14/02/2023 Lượt xem: 4725 In bài viết

Trước những đòi hỏi xuất phát từ thực tiễn, các quy định của pháp luật hiện hành về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cần được điều chỉnh, bổ sung. Điều này góp phần mở hướng cho thị trường lao động phát triển linh hoạt, bền vững.

BHTN được triển khai từ ngày 1-1-2009. Sau hơn 13 năm đi vào đời sống, số người tham gia chính sách ngày một tăng, hiện có hơn 14 triệu người tham gia. Số thu BHTN cũng tăng lên tương ứng, từ 3.511 tỷ đồng vào năm 2009, tăng lên 9.940 vào năm 2015. Liên tục từ năm 2015 đến nay, số tiền bổ sung vào Quỹ BHTN tăng bình quân 15%/năm. Từ nguồn quỹ an sinh này, người lao động tham gia chính sách ngày càng được thụ hưởng nhiều quyền lợi khi không may gặp rủi ro về việc làm.

Riêng năm 2022, số người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 889.011 người, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2021 (688.972 người); số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 879.557 người, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2021 (678.247 người). Tổng số người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 1.892.271 lượt người, tăng 25,1%; số người được hỗ trợ học nghề là 19.526 người, tăng 10,8% so với năm 2021.

Người lao động đề nghị hưởng BHTN tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

Từ những dẫn chứng nêu trên có thể thấy rõ vai trò “giá đỡ” an sinh của BHTN, giúp người lao động có thêm nguồn thu nhập trong giai đoạn khó khăn.

Tuy nhiên, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc thực hiện chính sách BHTN đang bộc lộ những bất cập như, chưa mở rộng đến nhóm lao động có hợp đồng ngắn hạn (dưới 3 tháng); chưa bao phủ đến nhóm lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức (không có hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc), trong khi đó, nhóm lao động này chiếm số đông trong lực lượng lao động xã hội. Hình thức trợ giúp cho người lao động nặng về tính trợ cấp trong ngắn hạn, chưa rõ vai trò là công cụ quản trị trường lao động, góp phần đưa thị trường lao động phát triển, tạo điều kiện cho người lao động có việc làm bền vững, hạn chế tối đa tình trạng thất nghiệp.

Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp chưa phát huy hiệu quả như mong muốn, chủ yếu là các nghề đào tạo ngắn hạn, thậm chí đã “bão hòa” trên thị trường như nấu ăn, pha chế đồ uống, máy vi tính…, nên chưa được nhiều người lao động lựa chọn. Cần quan tâm, mối liên kết giữa cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp để tổ chức đào tạo nghề cho nhóm lao động đặc thù này sao cho phù hợp với nguyện vọng, khả năng của họ, nhu cầu của thị trường chưa hình thành rõ nét. Hơn nữa, chức năng phòng ngừa lao động bị thất nghiệp của chính sách BHTN còn mờ nhạt.

Xuất phát từ những yêu cầu, đòi hỏi tất yếu khách quan, trong quá trình xây dựng Luật Việc làm sửa đổi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất nhiều nội dung quan trọng về BHTN. Đó là mở rộng đối tượng tham gia BHTN; có giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp; tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề, khắc phục tình trạng đại đa số người lao động nhận trợ cấp thất nghiệp như thời gian qua…

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, khi chính sách BHTN được triển khai theo hướng trở thành công cụ quản trị thị trường lao động, thì tỷ lệ lao động tham gia BHTN sẽ tăng nhanh, giúp người lao động tiếp cận với cơ hội việc làm bền vững. 

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top