Những chính sách mới có hiệu lực từ ngày 1/3

15:45 - Thứ Tư, 01/03/2023 Lượt xem: 4192 In bài viết

Từ ngày 1/3, một số chính sách mới, trong đó có các chính sách về nhân sự và việc làm, hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử.. bắt đầu có hiệu lực.

Cấp hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử từ ngày 1/3

Theo thông tin từ Cục Xuất nhập cảnh, Bộ Công an, từ 1/3/2023, Bộ Công an sẽ triển khai cấp Hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử cho công dân Việt Nam theo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Người được cấp hộ chiếu gắn chíp điện tử sẽ được phía nước ngoài ưu tiên khi xét duyệt cấp thị thực nhập cảnh. Hiện nay, trên thế giới có trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng hộ chiếu điện tử.

Hộ chiếu gắn chíp điện tử có tính bảo mật thông tin cao, vì được lưu trữ trong con chíp, rất khó sao chép thông tin.

Việc phát hành hộ chiếu điện tử không những tạo điều kiện cho người dân trong hoạt động xuất, nhập cảnh, mà còn phù hợp với Chính phủ điện tử, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao vị thế của hộ chiếu Việt Nam, thúc đẩy quá trình hội nhập của Việt Nam trong khu vực và thế giới.

Cấp hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử từ ngày 1/3. Ảnh: TL. 

Tăng mức bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động

Theo Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định việc bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố độc hại có hiệu lực từ ngày 1/3, mức bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền như sau: Mức 1: 13.000 đồng (tăng 3.000 đồng); Mức 2: 20.000 đồng (tăng 5.000 đồng); Mức 3: 26.000 đồng (tăng 6.000 đồng); Mức 4: 32.000 đồng (tăng 7.000 đồng).

Đối với người lao động đủ điều kiện hưởng bồi dưỡng thì mức bồi dưỡng cụ thể theo từng nghề, công việc được quy định tại Phụ lục I của Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH và được áp dụng theo thời gian làm việc tương ứng như sau: Nếu làm việc từ 50% thời giờ làm việc bình thường trở lên của ngày làm việc thì được hưởng cả định suất bồi dưỡng. Nếu làm dưới 50% thời giờ làm việc bình thường của ngày làm việc thì được hưởng nửa định suất bồi dưỡng. Trong trường hợp người lao động làm thêm giờ, định suất bồi dưỡng bằng hiện vật được tăng lên tương ứng với số giờ làm thêm theo nguyên tắc trên.

Thông tư nêu rõ, việc tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật phải thực hiện trong ca, ngày làm việc, bảo đảm thuận tiện, an toàn, vệ sinh thực phẩm. 

Trường hợp người lao động làm công việc lưu động, phân tán, ít người hoặc các công việc khác có tổ chức lao động không ổn định mà không thể tổ chức bồi dưỡng tập trung tại chỗ, người sử dụng lao động phải cấp hiện vật cho người lao động để người lao động có trách nhiệm tự bồi dưỡng theo quy định.

10 vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý ngành Ngân hàng

Thông tư 21/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực Ngân hàng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/3.

Thông tư nêu rõ 10 vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực Ngân hàng gồm: Chủ tịch Hội đồng quản lý; Thành viên Hội đồng quản lý; Tổng Giám đốc; Phó Tổng Giám đốc; Trưởng phòng và tương đương; Phó Trưởng phòng và tương đương; Giám đốc chi nhánh; Phó Giám đốc chi nhánh; Trưởng phòng và tương đương trực thuộc Chi nhánh; Phó Trưởng phòng và tương đương trực thuộc Chi nhánh.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng nêu rõ nội dung của các bản mô tả công việc bao gồm: Mục tiêu vị trí việc làm; các công việc và tiêu chí đánh giá; các mối quan hệ công việc; phạm vi quyền hạn; yêu cầu về trình độ, năng lực...

Quy định mới về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức

Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, có hiệu lực thi hành từ ngày 19/3.

Thông tư quy định rõ về tiếp nhận tiền công đức, tài trợ. Theo đó, mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.

Đối với quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo: Người đại diện cơ sở tôn giáo tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan.

Quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích đồng thời là cơ sở tín ngưỡng: Người đại diện cơ sở tín ngưỡng tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan.

Quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích thuộc sở hữu tư nhân: Chủ sở hữu di tích tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan.

Theo ĐCSVN
Bình luận

Tin khác

Back To Top