Hướng về biển đảo Tổ quốc
ĐBP - Trường Sa - nơi quanh năm nắng và sóng gió. Nhưng khi đặt chân đến Trường Sa chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi nơi đây như những công viên xanh giữa biển khơi. Để có được “lá phổi xanh” điều hòa cho Trường Sa, bên cạnh sự hỗ trợ của các cấp, ngành, tổ chức thì quân dân huyện đảo đã không ngừng nỗ lực vượt khó, cải tạo môi trường, vì một Trường Sa xanh.
Khắc nghiệt nơi đầu sóng
Do điều kiện khí hậu thổ nhưỡng, trước đây ở Trường Sa chỉ thấy cây bàng vuông, cây phong ba sinh trưởng. Nhằm hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng Trường Sa thành huyện đảo có đủ các yếu tố mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, hàng nghìn cây xanh từ các tỉnh, thành trong cả nước đã được đưa ra trồng trên đảo. Không còn là những đảo cát trắng và san hô, Trường Sa hôm nay đã “thay da đổi thịt”. Xen giữa những công trình mái ngói đỏ tươi là hàng ngàn cây xanh đâm chồi, nảy lộc vươn mình trong nắng gió.
Vừa giới thiệu các loại cây trồng trên đảo, Thượng tá Nguyễn Công Chính, Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy thị trấn Trường Sa cho biết: Thời tiết ở huyện đảo Trường Sa rất khắc nghiệt, chia 2 mùa rõ rệt: Mùa khô thì thiếu nước; mùa mưa thì bão, gió lớn. Với đặc thù chủ yếu là cát, san hô nên khả năng giữ nước rất hạn chế. Mặc dù đất được cán bộ chiến sĩ (CBCS) tích cực mang từ đất liền ra đảo song do không khí có nồng độ muối cao nên chỉ một thời gian là đất bạc màu, nghèo dinh dưỡng. Bởi thế, phủ xanh cho đảo không thể thực hiện trong một sớm một chiều mà đòi hỏi phải tỉ mỉ, kiên nhẫn, lâu dài. Để tạo “lá phổi xanh” điều hòa cho đảo, quân dân huyện đảo tích cực trồng, chăm sóc vừa các loại cây thời vụ, vừa các loại cây lâu năm. Sau những giờ huấn luyện, CBCS đều dành thời gian chăm sóc cây xanh, tăng gia sản xuất. Đồng thời, nghiên cứu ươm trồng thử nghiệm một số loại cây khác như: Phi lao, tre, dừa… Việc ươm, trồng cây ở đảo được CBCS che chắn rất cẩn thận bởi gió biển lớn có thể gây cháy, khô lá. Trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt và thiếu nước, chúng tôi tận dụng mọi nguồn nước ngọt và nguồn nước lợ để tưới tiêu.
Nơi đầu sóng ngọn gió, Trường Sa luôn hứng trọn tất cả những cơn bão trước khi vào đất liền nước ta. Có cơn bão lớn, hàng ngàn cây xanh bị quật đổ, rau xanh trên đảo dập nát, hệ thống giếng nước ngọt của đảo nhiễm mặn. Mỗi lần như vậy, toàn đảo lại tập hợp lực lượng tập trung khắc phục hậu quả, cải tạo môi trường. Bắt đầu từ việc dựng cây đổ, kiểm tra thân rễ, cắt rồi quét vôi cây gãy đến việc thay chua rửa mặn. Cây như hiểu lòng người, sau thời gian chăm sóc, chồi non lại bật mầm, vươn mình phát triển xanh tốt.
Phủ xanh Trường Sa
Không những tạo cảnh quan, cây xanh ở Trường Sa còn điều hòa khí hậu, “ngọt hóa” đất đai, tạo bóng mát, làm tốt vai trò che, chắn gió bão, góp phần trực tiếp vào khả năng phòng thủ chiến đấu của quân, dân trên đảo. Do đó, việc phủ xanh các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa có ý nghĩa quan trọng trong việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế, quốc phòng.
Những năm qua, CBCS Vùng 4 Hải quân đã tự ươm gần 60.000 cây giống các loại, phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đưa hàng nghìn cây ra đảo trồng nhằm phủ xanh Trường Sa. Thay vì phụ thuộc vào cây xanh nguồn gốc tự nhiên (phong ba, mù u, bàng vuông), hiện nay các đảo đều được quy hoạch trồng mới các loại cây khác như: Dừa Bình Định, phi lao, tre, keo bạch đàn... Đây là những loại cây lâu năm có thể khai thác để phục vụ đời sống, sinh hoạt, huấn luyện của quân dân. Sau nhiều năm tạo dựng, tại các đảo: Trường Sa, Sinh Tồn, Trường Sa Đông... đã có màu xanh ngút ngàn. Cùng với cây trồng lâu năm, CBCS huyện đảo còn chú trọng phát triển cây ăn quả, mô hình trồng rau nhà lưới. Thăm vườn rau trồng theo mô hình nhà lưới ở đảo Đá Đông B, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi mô hình được triển khai hiệu quả, phù hợp với điều kiện khắc nghiệt ở đảo. Nhờ tăng gia tập trung theo mô hình mới, lượng rau xanh trên đảo luôn đảm bảo nhu cầu cho CBCS sử dụng với nhiều loại rau: Cải xanh, mồng tơi, mướp đắng, rau muống.
Thượng tá Lương Xuân Giáp, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn 146 cho biết: 5 năm trở lại đây, đất liền đã ủng hộ quân dân Trường Sa hơn 34.000 cây xanh các loại, hàng trăm tấn đất, phân bón, giống cây và triển khai thực hiện nhiều vườn ươm với mô hình “Vì Trường Sa xanh”. Cùng với đó, Vùng 4 và Lữ đoàn 146 đã huy động các doanh nghiệp, địa phương ủng hộ xây dựng 13 vườn rau, nhà lưới. Riêng 2 vườn rau nhà lưới tại đảo Sinh Tồn Đông và Trường Sa Đông với diện tích 240m2 do Viện Nông nghiệp miền Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ đã mở ra ý tưởng mới về công nghệ trồng rau đảm bảo nguồn rau xanh quanh năm ở đảo.
Đến nay, Trường Sa mới phủ xanh được khoảng 45% diện tích. Trong điều kiện khắc nghiệt và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, quân dân Trường Sa cần các cấp, ngành, cơ quan đoàn thể, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tiếp tục hỗ trợ giống cây, phân bón để Trường Sa ngày càng xanh hơn.