ĐBP - Triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 1 (2021 – 2025), huyện Điện Biên Đông có 931 hộ nghèo được cấp téc chứa nước với tổng kinh phí 2,793 tỷ đồng. Chương trình góp phần quan trọng giúp hộ nghèo người dân tộc thiểu số ở vùng cao được tiếp cận, sử dụng nước hợp vệ sinh.
Chỉ vào téc nước màu xanh dương đầy ắp, ông Giàng Phá Di, bản Tìa Mùng B, xã Noong U phấn khởi nói: Nhà đông người, không có cái chứa nước làm gì cũng bất tiện, mất vệ sinh là điều khó tránh khỏi. Bây giờ được cấp téc nước 1.000 lít nên thoải mái chứa nước sinh hoạt không còn lo thiếu nước. Không chỉ gia đình tôi, mà tất cả những hộ nghèo trong bản đảm bảo các điều kiện đều được cấp téc chứa nước như thế này.
Cùng với Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hỗ trợ téc chứa nước, huyện Điện Biên Đông đã lồng ghép nhiều nguồn vốn đầu tư hàng trăm công trình cấp nước sinh hoạt tại các bản vùng cao, từng bước đáp ứng nhu cầu, đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân. Những năm trước đây, tỷ lệ hộ dân vùng nông thôn của huyện Điện Biên Đông có nước sinh hoạt hợp vệ sinh còn thấp, nhất là ở các bản vùng cao, vấn đề nước sinh hoạt luôn là nỗi lo thường trực.
Ông Nguyễn Trọng Huế, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên Đông cho biết: Trên địa bàn huyện có 214 công trình cấp nước tập trung, trong đó 2 công trình nước sạch và 212 công trình nước hợp vệ sinh được xây dựng từ vốn các chương trình, dự án và sự đóng góp một phần của nhân dân. Công tác quản lý các công trình sau đầu tư được các xã thực hiện tương đối hiệu quả đã phát huy giá trị sử dụng của công trình.
Có nước sinh hoạt là niềm vui lớn đối với gia đình anh Giàng A Sềnh, bản Huổi Tống, xã Háng Lìa: Trước đây, gia đình tôi cũng như nhiều hộ trong bản đều sử dụng nước ở các khe suối để sinh hoạt hàng ngày. Từ khi công trình nước được đầu tư xây dựng, dân bản có nguồn nước hợp vệ sinh để sử dụng, không còn cảnh thiếu nước vào mùa khô hay dùng nước khe suối mất vệ sinh nữa.
Còn ông Lò Văn Ún, bản Sư Lư, xã Na Son bày tỏ: Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại bản đã mang lại nhiều lợi ích cho bà con. Hiểu được giá trị công trình, dân bản ai cũng giữ gìn, bảo vệ công trình. Mỗi lần mưa gió, hoặc do tác động của thiên nhiên đường dẫn nước bị hỏng, xuống cấp thì dân bản bảo nhau cùng sửa chữa để có nước dùng quanh năm.
Đối với vùng gặp khó khăn trong đầu tư công trình cấp nước tập trung, vùng chưa có khả năng tiếp cận với cấp nước tập trung, vùng khan hiếm về nguồn nước, huyện Điện Biên Đông thực hiện các giải pháp cấp nước phân tán, hỗ trợ người dân mua vật dụng trữ nước như: Bồn, téc bằng nguồn vốn của các chương trình mục tiêu. Đồng thời vận động người dân tự mua vật dụng trữ nước; tuyên truyền phổ biến người dân thay đổi hành vi, thói quen sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ nguồn nước; hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước để sử dụng trong mùa khô, thời gian hạn hán, ngập lụt.
Bằng việc đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung hoặc hỗ trợ bồn, téc chứa nước cho người dân các thôn bản vùng cao, huyện Điện Biên Đông đã giúp người dân giảm bớt khó khăn về nước sinh hoạt, ổn định cuộc sống, từng bước xóa đói giảm nghèo.