Theo chân thợ ảnh mùa hoa ban

07:05 - Thứ Bảy, 25/03/2023 Lượt xem: 5616 In bài viết

ĐBP - Điện Biên đang ở mùa đẹp nhất trong năm - mùa hoa ban rực rỡ. Những cánh hoa mềm mại với sắc trắng điểm màu hồng tím, bung nở rực rỡ, thu hút đông đảo du khách, người chơi ảnh đến để lưu lại những khoảnh khắc tuyệt vời. Bởi thế mà những thợ ảnh dịp này lại có thêm cơ hội kiếm thêm một khoản thu nhập không hề nhỏ.

Thợ ảnh đang “săn” bức ảnh đẹp.

Tháng Ba về, Điện Biên lại ngập trong sắc trắng mùa hoa ban. Hoa ban bung nở rực rỡ trên nhiều tuyến đường của TP. Điện Biên Phủ tạo nên khung cảnh vô cùng hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân và du khách đến để tận hưởng và lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ. Bên cạnh những người “tự túc” chụp hình bằng việc sử dụng ngay chiếc điện thoại cá nhân thì vẫn có không ít chị em nhờ đến các “tay máy” chuyên nghiệp. Bởi thế mùa ban với những thợ chụp ảnh cũng là một trong những cơ hội để kiếm thêm thu nhập...

Tấp nập và nhộn nhịp - đó là cảm nhận của bất cứ ai có mặt tại những tuyến đường, con phố trồng nhiều hoa ban trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ trong những ngày qua. Trong tiết trời se lạnh của mùa xuân, những hàng cây hoa ban đồng loạt đua nhau bung nở khoe sắc, khiến cho nhiều người dân và du khách cảm thấy thích thú. Không mang nét đẹp kiêu sa, tuy nhiên, hoa ban lại đặc biệt hòa hợp với cảnh vật thiên nhiên vùng sơn cước.

Trên con đường lên Khu du lịch tâm linh Linh Quang, thuộc khu vực xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, chúng tôi vô tình bắt gặp chị Nguyễn Hải Nhung tới từ huyện Tuần Giáo đang cùng những đồng nghiệp thả mình trước vẻ đẹp của hoa ban. Trong tà áo dài truyền thống, nhóm của chị đang được một thợ ảnh hướng dẫn chỉnh dáng, tạo kiểu để có những bức ảnh đẹp nhất. Theo suy nghĩ của chị, hoa ban năm nào cũng nở, nhưng những khoảnh khắc ấy mỗi năm mỗi khác, mà cảnh sắc thì không năm nào giống năm nào… Chị Nhung chia sẻ: “Hôm nay mình cũng tranh thủ thôi, ra đây cùng với các bạn chụp ảnh mùa hoa ban đang nở rộ này. Trong cảm nghĩ của mình hoa ban là đặc trưng của Điện Biên, mình muốn có bức ảnh để lưu niệm. Thế nên mình mới thuê thợ ảnh để giúp mình làm điều đó. Điện thoại chụp cũng được thôi. Nhưng điều quan trọng là họ mất công nghiên cứu, căn góc chụp, trong khi đó cái này cần những người có kinh nghiệm, chuyên môn sẽ làm tốt hơn. Chưa kể, thợ ảnh và ekip sẽ chỉ bạn cách tạo dáng thế nào để khoe được ưu điểm, che đi nhược điểm của bản thân...”.

Chụp cho nhóm của chị Nhung là anh Cà Văn Tiến, nhân viên một studio có tiếng tại TP. Điện Biên Phủ. Ngoài trang bị cần thiết là máy ảnh, để chụp được những bức ảnh đẹp với hoa ban còn cần sự hỗ trợ của thang gấp, tấm hắt sáng... Tranh thủ lúc nhóm chị Nhung đổi trang phục, anh Tiến chia sẻ: “Khoảng thời gian này có khá nhiều người đến chụp với hoa ban, đẹp nhất là từ 15 - 17 giờ. Chụp hoa ban cũng dễ thôi, chỉ cần tạo các dáng nhẹ nhàng, chụp xa cảnh hay sát cảnh với cây hoa ban đều đẹp. Năm nay hoa ban đẹp nên lượng khách cũng đông hơn so với năm ngoái...”.

Còn theo chúng tôi khảo sát trên “thị trường” chụp ảnh mùa hoa ban hiện nay, hầu hết các studio đều đưa ra mức giá giao động từ 1.000.000đ - 1.700.000 đồng/bộ ảnh/người. Trong đó, bao gồm ê kip đi theo chỉnh dáng và chỉnh sửa ảnh chuyên nghiệp; riêng trang phục, trang điểm có thể có hoặc không, theo thỏa thuận của khách và studio. Còn nếu nhiều người cùng chụp một lần thì giá sẽ ưu đãi hơn, tùy thuộc vào chính sách của từng studio... Với mức giá như vậy không phải thấp nhưng qua trao đổi với nhiều studio, những ngày này đa phần là kín “show”, có ngày nhận tới 3 - 4 “job” chụp mà khách vẫn liên hệ đặt lịch... Với tần suất làm việc của các thợ ảnh như trong dịp này, có thể thấy rằng nghề “bắt khoảnh khắc” vẫn còn nguyên vẹn giá trị. Những chiếc máy ảnh vẫn có vị thế nhất định trước công nghệ chụp ảnh hiện đại bằng điện thoại như hiện nay.

Thợ ảnh chỉnh sửa đạo cụ chuẩn bị chụp ảnh hoa ban cho khách.

Nhộn nhịp không kém các “nháy” mẫu hoa ban, các thợ ảnh tại điểm di tích cũng đang có một mùa du lịch bận rộn. Dù chủ thể của họ không phải hoa ban nhưng những bông hoa xinh đẹp này đã góp phần “hút” khách đến với các điểm di tích, đến với Điện Biên. 3 giờ chiều, tại một hiệu ảnh trên đường Võ Nguyên Giáp, đối diện di tích Đồi A1 đông thợ ảnh vào ra. Chỉ trong khoảng 30 phút, chúng tôi đếm được không dưới 10 thợ vào in ảnh. Ai vào đây cũng đều rất vội vàng, không cả kịp tháo mũ bảo hiểm. Thao tác cũng hết sức khẩn trương: Lấy máy ảnh, tháo thẻ nhớ, đặt lên bàn máy tính, miệng liến thoắng nhu cầu làm và số lượng ảnh cần thiết: “Bộ váy Mông này 2 tấm, bộ váy Thái 2 tấm; “Nhấc” bà áo tím sang đây được không? In nhanh cho chị không đoàn đi mất bây giờ...”. Ai cũng vội vàng như sợ chậm trễ sẽ không tìm thấy khách hàng đâu cả. Anh chủ hiệu cũng lập tức “đổ ảnh” và đưa vào phần mềm chuyên dụng. Cả 10 ngón tay anh như múa trên bàn phím, thao tác nhanh, gọn, dứt khoát nên chỉ trong thời gian rất ngắn, “sản phẩm” đã được in ra. Có tấm chỉ vỏn vẹn hơn 2 phút...

Theo quan sát của chúng tôi, đa phần các thợ ảnh đến đây đều là nữ, có người thâm niên cũng đã cả chục năm nhưng cũng có người mới chập chững vào nghề. Không chỉ dễ dàng nhận diện “người mới” qua những chiếc máy ảnh còn long lanh mà còn ở những tấm ảnh họ chụp ra vẫn còn nhiều khiếm khuyết. Nhưng đó không phải vấn đề quá lớn. Với sức mạnh của phần mềm chuyên dụng cùng kỹ thuật điêu luyện của anh chủ hiệu, thì dù sản phẩm đầu vào có thế nào thì cũng nhanh chóng được bố cục lại, đầy đủ ánh sáng và nhuộm màu rực rỡ, đảm bảo yêu cầu giao cho khách.

Anh Yên - một trong số ít thợ ảnh nam chúng tôi gặp chiều hôm ấy. Cũng vội vàng như những thợ khác, rút trong túi ra chiếc máy ảnh Nikon D300 đã tróc sơn, tháo thẻ đặt lên bàn nói: “In cho anh mấy tấm này, tấm “chụp trộm” cũng cứ làm 2 cái nhé...”. Nói xong anh ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh, tranh thủ cho chân được nghỉ ngơi, gương mặt cũng giãn ra được một phần thư thái. Thấy vậy, chúng tôi lại gần hỏi chuyện, anh Yên tâm sự thật lòng: “Làm nghề này cũng vất vả lắm. Khách đông thì mới ăn thua. Nhiều khách thuê mình chụp nhưng cũng có nhiều tấm còn phải “chụp trộm” xong in ra. Khách người ta nhận thì mới có tiền, không nhận thì coi như lỗ... Có nhiều khách họ gay gắt lắm, không nhận ảnh mà còn nói rất nặng lời. Nhưng cũng có những khách có văn hóa, chỉ nhẹ nhàng trao đổi với thợ rồi cũng ủng hộ...”.

Theo khảo sát giá từ các thợ ảnh, 1 tấm ảnh chụp cỡ 10x15 có giá khoảng 20 nghìn đồng/tấm, cỡ 30x40 thì giao động từ 30 - 50 nghìn tùy vào... khách có lấy hay không. Với giá in mỗi tấm hiện tại là không lớn, thì thu nhập của mỗi người thợ ảnh trong dịp đông khách này có thể đạt tới cả triệu đồng/ngày. Dẫu vậy, vẫn phải nhìn nhận thực tế rằng, xung quanh mức thu nhập đó vẫn còn những vấn đề mà các thợ ảnh tại các điểm di tích cần điều chỉnh để giữ lại hình ảnh đẹp của Điện Biên trong mắt du khách gần xa...

Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top