Vấn đề hôm nay
ĐBP - Xác định, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động nông thôn là một trong những yếu tố tiên quyết để xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đề ra mục tiêu: Bình quân mỗi năm tạo việc làm mới cho trên 8.700 lao động…
Từ mục tiêu đó, những năm gần đây, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, nhất là tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút lao động tham gia các lớp đào tạo nghề cũng như tìm kiếm việc làm thường xuyên tại các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Mặc dù còn dư âm của dịch bệnh Covid-19, nhưng năm 2022 đã có 10.638 lao động được giải quyết việc làm, tăng 17,73% so với năm 2021, đạt 114,53% mục tiêu Nghị quyết. Kết quả đó góp phần rất tích cực vào công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh.
Phát huy kết quả đạt được, Điện Biên tiếp tục đặt mục tiêu, đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo có việc làm ổn định đạt khoảng 80%. Chú trọng đào tạo và đào tạo lại nghề nông nghiệp cho 17.624 lượt lao động nông thôn; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đến năm 2025 đạt trên 70%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt từ 20% trở lên. Qua đó, giúp người lao động có thể tiếp cận được với các công việc đòi hỏi tay nghề cao để có thu nhập ổn định hơn.
Là tỉnh nông nghiệp, số lao động trong độ tuổi khu vực nông thôn cần được đào tạo, giải quyết việc làm hàng năm khá lớn. Giải quyết tốt việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống sẽ góp phần tích cực trong Đề án Xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Một số xã chậm “cán đích” hoặc “rớt hạng” nông thôn mới thời gian qua, có nguyên nhân của việc thiếu tiêu chí thu nhập, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. Tỷ lệ hộ nghèo cao, nhiều gia đình chưa có nhà kiên cố ở, cuộc sống du canh du cư… có nguyên nhân của việc lao động nông thôn không có việc làm ổn định, thu nhập thấp.
Do vậy, trước mắt cũng như lâu dài, cần phải xác định, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cho người lao động là rất cần thiết. Việc đào tạo và nâng cao chất lượng nghề nông thôn cho lao động phải gắn với nhu cầu thị trường. Đào tạo nghề phải đúng đối tượng, đúng mục đích mới đạt hiệu quả cao. Thời gian, địa điểm mở lớp học nghề, giáo viên dạy nghề phải phù hợp với phong tục tập quán, bản sắc văn hoá bản địa; cần có định hướng, khảo sát nhu cầu lao động, gắn với giải quyết việc làm và hiệu quả làm việc sau đào tạo.
Thời gian qua, có lúc, có nơi, việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nói chung, lao động nông thôn nói riêng chưa sát thực tế, hiệu quả không như mong muốn. Việc người dân “điểm chỉ ghi tên” trong các lớp học nghề mà không tham gia học tập đầy đủ không phải là không có. Lý do là bà con bị “ép học nghề” mình không mong muốn, không tâm huyết, không có năng khiếu.
Giải quyết tận gốc tình trạng này, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động nông nghiệp cần gắn với nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh, của từng địa phương, gắn với xây dựng nông thôn mới, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, sản phẩm nghề truyền thống (dệt thổ cẩm, may thêu, mây, tre, đan…); đào tạo nghề trồng trọt, chăn nuôi có tiềm năng, lợi thế địa phương. Tỉnh đang mở rộng diện tích trồng cây mắc ca, cây ăn quả, cây dược liệu dưới tán rừng, trồng rừng kinh tế… Đây là những nghề giải quyết nhiều việc làm cho lao động nông thôn, nghề nông nghiệp, nếu biết khai thác một cách hợp lý, hiệu quả.
Một mặt, cần thúc đẩy các mô hình khởi nghiệp, sáng tạo ở nông thôn để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân theo hướng ổn định, bền vững. Bên cạnh đào tạo sơ cấp nghề, cần chú trọng nâng cao trình độ tay nghề, cơ giới hoá, tự động hoá, hiện đại hoá các khâu sản xuất, chế biến. Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho lao động nông thôn để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế nông thôn một cách hiệu quả.