Đồng hành cùng nông dân làm giàu

08:51 - Thứ Tư, 29/03/2023 Lượt xem: 3715 In bài viết

ĐBP - Định hướng, tư vấn cho hội viên nông dân phát huy những tiềm năng, thế mạnh ở địa phương; tín chấp hỗ trợ cho vay các nguồn vốn; phối hợp với ngành chức năng hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất... là những hoạt động thiết thực mà các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đang tích cực triển khai thực hiện nhằm giúp hội viên, nông dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Cán bộ Hội Nông dân TP. Điện Biên Phủ trao bò giống luân chuyển cho hội viên nghèo Lò Thị Đoạn, bản Pá Khôm, xã Nà Nhạn.

Thời gian qua, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Mường Báng (huyện Tủa Chùa) có nhiều chuyển biến tích cực và từng bước đi vào chiều sâu. Nhiều mô hình, hình thức sản xuất có hiệu quả được nhân rộng; khoa học - kỹ thuật, công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất được đẩy mạnh... Mặt khác, quá trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo của xã từng bước được nâng lên rõ rệt, tạo động lực quan trọng để hội viên có điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Với mục tiêu “trao cần câu không trao con cá”, Hội Nông dân xã đã định hướng khai thác tiềm năng, lợi thế địa phương cho hội viên nông dân.

Hơn 3 năm từ khi các hộ dân thuộc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mường Báng tham gia dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn. Người dân được cung ứng giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nếu có nhu cầu. Ngoài ra trong quá trình sản xuất các hộ dân đã được cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở hướng dẫn kỹ thuật làm đất, trồng, chăm sóc theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của các loại cây trồng. Sản phẩm sau khi thu hoạch sẽ được doanh nghiệp trên địa bàn thu mua và thực hiện theo đúng cam kết về giá đã thỏa thuận trong hợp đồng liên kết.

Bà Bùi Thị Lay, đội 9, xã Mường Báng cho biết: Sau nhiều năm loay hoay để tìm hướng phát triển kinh tế, đến nay gia đình tôi đã lựa chọn được hướng đi phù hợp trong phát triển kinh tế gia đình. Thông qua tuyên truyền của Hội Nông dân xã, gia đình tôi đã tham gia dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, gia đình tôi có thu nhập ổn định và rất yên tâm, tin tưởng vào hiệu quả mô hình sản xuất này.

Tại TP. Điện Biên Phủ, Hội Nông dân đã tích cực phối kết hợp với các cơ quan, ban, ngành hỗ trợ nông dân về kỹ thuật, vốn vay, xây dựng các mô hình kinh tế hoạt động có hiệu quả. Các nguồn vốn hỗ trợ cho nông dân được các cấp Hội thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục. Việc chỉ đạo, lựa chọn mô hình theo định hướng phát triển của từng phường, xã đảm bảo tính khả thi của từng dự án nhằm giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu. Năm 2022, Hội Nông dân thành phố phối hợp tổ chức 14 lớp tập huấn cho trên 1.200 lượt hội viên học tập về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi... Thành phố triển khai 29 lượt dự án chăn nuôi lợn và trâu, bò sinh sản tại các xã, phường cho 107 lượt hộ; tiếp nhận trên 12.000 con gà do Phòng Kinh tế thành phố cấp cho 12 cơ sở Hội.

Nhận thức vai trò quan trọng của phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã chú trọng các chủ trương, chính sách liên quan trực tiếp đến “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, bằng nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú. Hội gắn công tác tuyên truyền với tổ chức các hoạt động, như tham quan mô hình, trao đổi kinh nghiệm, Hội thi kiến thức nhà nông, Hội thi nông thôn mới... tới 129/129 cơ sở hội; 1.444 chi hội với trên 82.000 hội viên. Từ đó, giúp cho hội viên nông dân trong tỉnh hiểu biết sâu, rộng về phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, thực hiện đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ vươn lên làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Thời gian tới, nhằm tích cực giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, chăn nuôi. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sau thu hoạch và chế biến nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức hội thảo, chuyển giao khoa học kỹ thuật; phối hợp cùng doanh nghiệp tổ chức các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân về vốn, phân bón... Đẩy mạnh các hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ hội viên là hộ nghèo, hộ khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần, kiến thức và kinh nghiệm phát triển kinh tế.

Bài, ảnh: Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top