Đảm bảo an toàn lao động tại các doanh nghiệp

08:57 - Thứ Sáu, 31/03/2023 Lượt xem: 4995 In bài viết

ĐBP - Hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 1.400 doanh nghiệp, hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản, chế biến nông sản, dịch vụ thương mại, du lịch... Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là nhiệm vụ quan trọng trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp đã quan tâm triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, vẫn còn không ít doanh nghiệp lơ là, chưa quan tâm đúng mức vấn đề an toàn cho người lao động.

Công nhân Công ty Cổ phần Xi măng Điện Biên được trang bị đồ bảo hộ lao động trong quá trình làm việc.

Nhằm siết chặt công tác quản lý nhà nước về bảo đảm ATVSLĐ, hằng năm các cấp, ngành chức năng tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATVSLĐ tại các doanh nghiệp. Qua thanh tra, giám sát, phát hiện một số doanh nghiệp thực hiện Luật Lao động vẫn còn nhiều hạn chế; có doanh nghiệp chưa bố trí được người làm công tác ATVSLĐ. Trong năm 2022, Hội đồng ATVSLĐ tỉnh đã chỉ đạo tổ chức thanh tra liên ngành trong lĩnh vực khai thác khoáng sản tại 4 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, kết quả cả 4 doanh nghiệp đều có những tồn tại, hạn chế như: Chưa báo cáo định kỳ về tình hình tai nạn lao động; chưa tổ chức huấn luyện cho người sử dụng lao động và người lao động theo quy định; chưa xây dựng kế hoạch ATVSLĐ hàng năm; chưa trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân và trang bị các thiết bị an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; chưa tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động theo quy định...

Kiểm tra tại Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Hưng Long (thời điểm tháng 7/2022), đoàn thanh tra của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phát hiện nhiều nội dung liên quan đến việc bảo đảm ATVSLĐ chưa được triển khai thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ. Cụ thể, đối với việc thực hiện pháp luật về lao động, ATVSLĐ, doanh nghiệp chưa huấn luyện về ATVSLĐ cho 32 lao động; chưa trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; chưa khám sức khoẻ cho người lao động. Trong việc thực hiện pháp luật về an toàn sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, doanh nghiệp chưa tập huấn, huấn luyện định kỳ về kỹ thuật an toàn trong sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, về phòng cháy chữa cháy cho những người liên quan; chưa diễn tập các phương án bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy, kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và phương tiện bảo đảm an toàn...

Còn đối với hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty TNHH Trường Thọ Điện Biên, đoàn thanh tra cũng yêu cầu doanh nghiệp khắc phục một số hạn chế như: Chưa đặt sàn đỡ có bề rộng tối thiểu là 1m khi tiến hành các thao tác thủ công trên sườn dốc có độ cao trên 3m; chưa thực hiện phương pháp cắt tầng theo hồ sơ thiết kế. Đồng thời yêu cầu doanh nghiệp lập phương án phòng chống mưa bão cùng kế hoạch sản xuất kinh doanh của mỏ, phương án này phải được chuẩn bị xong trước mùa mưa bão; khắc phục tình trạng thiếu biển cấm người và máy móc làm việc đồng thời tại vị trí theo phương thẳng đứng ở tầng trên và tầng dưới liền kề hoặc những nơi có đá treo; tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động...

Thời gian qua các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ, thực hiện việc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch về ATVSLĐ; đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền các chính sách, pháp luật về ATVSLĐ đã góp phần giảm thiểu các nguy cơ gây tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp xảy ra trên địa bàn tỉnh. Song vẫn còn tình trạng chủ quan, chưa quan tâm hoặc thực hiện mang tính hình thức, nhất là tại các công trình xây dựng dân dụng, nhà ở dân cư.

Để phòng ngừa tai nạn lao động, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về ATVSLĐ để người lao động hiểu biết và tự phòng, chống. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các giải pháp bảo đảm ATVSLĐ cho người lao động; trong đó đặc biệt chú trọng vấn đề cải thiện điều kiện làm việc, khai báo, đăng ký, kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ trong sản xuất, kinh doanh. Có cơ chế xử phạt nghiêm các trường hợp người sử dụng lao động không chấp hành các quy định của pháp luật để xảy ra tai nạn nghiêm trọng. Trên thực tế đã có những vụ tai nạn lao động làm chết người nhưng chưa có chủ sử dụng lao động nào bị xử lý hình sự.

Đối với các doanh nghiệp cần thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn, thông báo cho người lao động về những quy định, biện pháp làm việc an toàn trong mọi điều kiện; trang bị đầy đủ các phương tiện kỹ thuật bảo hộ lao động. Ưu tiên và coi trọng biện pháp phòng ngừa. Về lâu dài, cần khắc phục tình trạng buông lỏng khâu thẩm định phương án bảo đảm an toàn trong hồ sơ cấp phép sản xuất, kinh doanh. Người sử dụng lao động cần nhận thức đầy đủ và có ý thức trách nhiệm về công tác VSATLĐ. Người lao động cần tuân thủ đúng các nội quy, quy trình làm việc; chủ động trang bị kiến thức, các kỹ năng làm việc an toàn; kiên quyết từ chối hoặc rời nơi làm việc nếu thấy rõ các nguy cơ, sự cố mất an toàn lao động để tự bảo vệ bản thân.

Bài, ảnh: Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top