Góc nhìn - Tiêu điểm

Trách nhiệm không của riêng ai

07:37 - Thứ Bảy, 15/04/2023 Lượt xem: 4724 In bài viết

ĐBP - Chỉ trong tuần đầu tiên của tháng Tư đã liên tiếp xảy ra 3 vụ tai nạn thương tích trẻ em, trên 3 địa bàn khác nhau, từ thành phố đến huyện vùng cao. 3 vụ tai nạn đã cướp đi sinh mạng 4 trẻ em. Em lớn nhất mới 10 tuổi, nhỏ nhất 3 tuổi. 3 trong số 4 nạn nhân tử vong do đuối nước.

Sự mất mát, đau thương quá lớn, không thể diễn tả bằng lời!

Nguyên nhân sẽ rõ ràng, trách nhiệm sẽ được xác định. Những sự chia sẻ, động viên, hỗ trợ đối với gia đình các nạn nhân cũng rất kịp thời. Nhưng các em không bao giờ trở lại!

Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương. Dễ trở thành nạn nhân của các vụ tai nạn thương tích.

Ngày 19/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1248/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu của chương trình là “Kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em trên tất cả các loại hình tai nạn nhằm bảo đảm sức khỏe, tính mạng trẻ em, hạnh phúc của gia đình và xã hội”.

Trên địa bàn tỉnh ta, thời gian qua công tác phòng chống tai nạn thương tích trẻ em đã được các cấp chính quyền, cơ quan chức năng quan tâm thực hiện. Nhưng hiệu quả chưa như kỳ vọng. Trong khi rất nhiều gia đình, phụ huynh còn chủ quan.

Vẫn biết tai nạn bất ngờ, nhưng có một thực tế là phần lớn các vụ tai nạn thương tích trẻ em xảy ra do sự bất cẩn của người lớn. Chính vì vậy, để hạn chế tối đa tai nạn thương tích cho trẻ em trước hết phải có sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ, gia đình. Như vụ đuối nước xảy ra trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ làm 2 chị em gái tử vong, có thể thấy phụ huynh đã sơ suất, chủ quan khi để con trẻ chơi đùa bên kênh thủy lợi mà thiếu sự giám sát. Hay trường hợp đuối nước ở huyện Mường Ảng, gia đình biết con mình tắm ở suối sau nhà nhưng cũng quá chủ quan khi con còn nhỏ tuổi.

Tỉnh ta có trên 80% dân số là người dân tộc thiểu số. Ở địa bàn vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn nên nhiều bậc cha mẹ phải bươn bả lao động kiếm cái ăn nên việc chăm sóc con cái có phần chểnh mảng. Khi bố mẹ làm nương, làm ruộng thì nhiều trẻ tự ăn, tự ngủ, tự chơi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến trường hợp trẻ 3 tuổi tử vong do hỏa hoạn xảy ra ở huyện Điện Biên Đông.

Thế nên, để hạn chế những tai nạn gây tử vong cho trẻ em, không chỉ là tuyên truyền nâng cao nhận thức, tập huấn kỹ năng... mà còn là bài toán sinh kế, xoá đói giảm nghèo, nâng cao điều kiện sống cho người dân vùng cao, vùng khó khăn.

Ngày 8/4 vừa qua, trong chuyến công tác tại Điện Biên, khi đến thăm, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh cần “quan tâm hơn nữa đến trẻ em, quyết tâm không để trẻ em nào phải ở lại phía sau”.

Trách nhiệm phòng tránh tai nạn cho trẻ em không của riêng ai. Công tác này cần quyết liệt hơn, với những hoạt động cụ thể, thiết thực, hiệu quả hơn. Trước hết là nhận thức, trách nhiệm của phụ huynh, gia đình, người chăm sóc trẻ cho đến cộng đồng, các cấp chính quyền, cơ quan, đoàn thể.

Sắp đến kỳ nghỉ hè, là thời gian trẻ em được nghỉ ngơi, vui chơi song cũng tiềm ẩn nguy cơ gia tăng tai nạn thương tích. Cần những giải pháp đồng bộ, với sự tham gia tích cực của các bên để tạo môi trường sống, vui chơi thuận lợi và an toàn cho trẻ em.!

Duy Bình
Bình luận

Tin khác

Back To Top