Điểm tựa cho người hoàn lương

07:01 - Thứ Bảy, 22/04/2023 Lượt xem: 5530 In bài viết

ĐBP - Cách trung tâm TP. Điện Biên Phủ hơn 130km về phía Bắc, với gần 3/4 diện tích là núi đá tai mèo, Tủa Chùa được ví như một “tiểu Hà Giang” của Tổ quốc. Nơi đây, mô hình “Dòng họ bình yên” đã khởi nguồn và lan rộng, đã và đang phát huy những giá trị nhân văn cao đẹp trong việc đưa người lầm lỡ trở về hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng, trở thành “điểm sáng” trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Anh Sùng A Anh (ở giữa) và Công an xã Pu Nhi (huyện Điện Biên Đông) tuyên truyền, giúp đỡ ông Sùng Nhìa Thào bản Nậm Ngám B.

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Giàng A Tùng ở bản Hẹ 2, xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa. Nhìn cơ ngơi với ngôi nhà cấp 4 cùng đàn trâu, dê và một ao nhỏ thả cá giống của A Tùng hôm nay, ít ai ngờ Tùng là người đã từng có quá khứ lầm lỗi, mới chấp hành xong án phạt tù năm 2015.

Năm 2011, A Tùng bị kết án tù giam 7 năm, song ngay từ khi đi chấp hành án, dưới sự động viên, giáo dục của đội ngũ cán bộ quản giáo, Tùng đã nhận thức rõ lỗi lầm, tích cực cải tạo tốt, được tha tù trước thời hạn vào năm 2015 và được hỗ trợ vay 20 triệu đồng từ “Quỹ hoàn lương” của tỉnh để tái hòa nhập cộng đồng. Ngay sau khi Tùng được mãn hạn tù, với vai trò là trưởng dòng họ, ông Giàng A Páo đã thường xuyên đến động viên, chia sẻ, đồng thời phát động mọi người trong dòng họ tùy thuộc vào khả năng, điều kiện của mình hỗ trợ, ủng hộ để A Tùng có vốn đầu tư sản xuất phục vụ đời sống. Nhìn thành quả lao động của mình hôm nay, A Tùng hoàn toàn có thể tin vào một tương lai tươi sáng không xa. Giàng A Tùng chia sẻ: Khi mới trở về cuộc sống rất khó khăn, được vay vốn từ Quỹ hoàn lương, rồi anh em dòng họ giúp đỡ động viên, người có điều kiện thì năm trăm, một triệu, người không có thì một trăm, có vốn mình mua trâu, dê, lợn, cá giống để chăm sóc, giờ cuộc sống của mình cũng đã ổn định.

Tiêu biểu cho mô hình “Dòng họ bình yên” ở huyện Tủa Chùa là các dòng họ: Giàng, Sùng, Thào, Mùa, Hờ, Vừ, Điêu, Lò, Mào... Quy ước của các dòng họ đều xoá bỏ các hủ tục, không di cư tự do, không nghe theo luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu; không trồng cây thuốc phiện và các tội liên quan đến ma túy, con cháu không vi phạm pháp luật, giúp đỡ người khó khăn cơ nhỡ, khen thưởng người tốt, việc tốt... Mô hình “Dòng họ bình yên” đã trở thành hạt nhân, điểm sáng trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Ông Giàng A Páo, Trưởng dòng họ Giàng, xã Xá Nhè chia sẻ: Từ khi thành lập dòng họ đến nay, dòng họ Giàng luôn đề cao tinh thần đoàn kết, năm nào cũng tổ chức họp họ hai lần để đánh giá việc các thành viên thực hiện các quy ước của dòng họ, định hướng phát triển kinh. Gia đình nào có người ốm đau, con cái đi học, người phạm tội trở về hòa nhập với cộng đồng thì cả dòng họ động viên, giúp đỡ cả về tinh thần, vật chất để các thành viên trong dòng họ vươn lên, thoát nghèo, làm giàu. Đến thời điểm hiện tại các hộ gia đình trong dòng họ Giàng đều khá giả, con cháu học hành đầy đủ, nhiều người tham gia cấp ủy chính quyền địa phương, công chức, viên chức Nhà nước.

Năm 2010, anh Ly A Dình, trú tại bản Nậm Bó, xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông tham gia mua bán trái phép chất ma túy, bị Tòa án Nhân dân huyện Điện Biên Đông xét xử, tuyên phạt 9 năm tù giam. Sau 5 năm thụ án tại Trại giam Thanh Sơn, Phú Thọ, do lao động, cải tạo tốt anh được giảm án, tha tù trước thời hạn. Trở về địa phương, nhìn vợ con nheo nhóc, bữa đói bữa no, nhà cửa đổ nát anh thấy chán nản, bi quan. Biết được hoàn cảnh của anh Dình, anh Sùng A Anh, hiện là Phó Chủ tịch hội Cựu chiến binh xã, lúc đó đang làm Phó công an xã bán chuyên trách đã gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và tham mưu các cấp tháo gỡ khó khăn, giúp đỡ để anh Dình làm lại cuộc đời. Từ nguồn vốn 20 triệu đồng của Quỹ hoàn lương và sự tư vấn, hướng dẫn của anh Sùng A Anh, anh Dình đã thuê 6ha đất nương, đất ruộng để trồng sắn, dong riềng và lúa; mua trâu để lấy sức kéo; mua lợn giống tăng gia... Vắt mồ hôi để tưới đất và đất đã nở hoa, đến nay mỗi năm anh Dình thu hoạch hơn chục tấn nông sản, đàn trâu cũng tăng lên hơn chục con, mỗi năm tổng thu nhập gần 200 triệu đồng. Anh Ly A Dình xúc động cho biết: Anh Sùng A Anh và cán bộ Công an xã Pu Nhi đúng như anh em một nhà, khi mình khó khăn nhất thì các anh không bỏ rơi mình, động viên mình, tạo điều kiện cho mình vay vốn Quỹ hoàn lương, dạy mình làm kinh tế. Nhà neo người, các anh ấy bỏ thời gian làm giúp mình kịp mùa vụ. Có được như ngày hôm nay thực sự cảm ơn các anh nhiều lắm.

Trong 12 năm công tác, ngoài trường hợp của Ly A Dình, anh Sùng A Anh và Công an xã Pu Nhi đã quan tâm, hỗ trợ 7 trường hợp khác trên địa bàn từng có quá khứ lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng có cuộc sống ổn định, xây dựng mô hình kinh tế, chăn nuôi gia súc, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng và không có trường hợp nào tái phạm tội... Toàn tỉnh hiện có 2.236 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Sau 2 năm thực hiện Nghị định số 49 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng, Công an tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan và các phường, xã cùng sự ủng hộ của nhân dân trong công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập với cộng đồng, phòng ngừa tái phạm tội và vi phạm pháp luật. Đã tạo điều kiện cho 28 người được tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ hoàn lương để phát triển kinh tế nhằm tái hòa nhập cộng đồng; 56 người được cơ quan Nhà nước, tổ chức, đoàn thể xã hội hỗ trợ vay vốn, giới thiệu, bố trí việc làm; 122 người được đào tạo nghề, truyền nghề trong quá trình chấp hành án; 386 người có việc làm nhờ sự giúp đỡ của gia đình, người thân.

Thượng tá Quàng Văn Chung, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Công an tỉnh) cho biết: Trong thời gian tới để tiếp tục thực hiện tốt Nghị định 49 của Chính phủ, đơn vị tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức, cá nhân được phân công giúp đỡ người hoàn lương đã phát huy tinh thần tương thân tương ái, trách nhiệm vì cộng đồng, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, nắm tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, tạo điều kiện cho họ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ hoàn lương, từ ngân hàng chính sách và các nguồn tín dụng khác, tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm để họ phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, ổn định cuộc sống. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền đến từng hộ gia đình xóa bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử để những người chấp hành xong án phạt tù hòa nhập cộng đồng.

Sau những khó khăn vất vả bộn bề của cuộc sống, những con người một thời lầm lỗi đang dần xóa bỏ mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng trở thành người có ích cho xã hội trong vòng tay bao dung, ấm áp tình người của chính dòng họ, người thân và cộng đồng mình.

Trường Long (Công an tỉnh)
Bình luận

Tin khác

Back To Top