Xuất khẩu lao động: Cần tạo dựng nguồn lao động chất lượng

14:31 - Thứ Tư, 16/08/2023 Lượt xem: 5761 In bài viết

ĐBP - Xuất khẩu lao động (XKLÐ) “về đích” sớm khi số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài đã đạt và vượt chỉ tiêu của tỉnh năm 2023. Mặc dù đây là tín hiệu tích cực, song để phát triển nguồn lao động xuất khẩu theo hướng hiện đại, hội nhập và bền vững thì cần tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng lao động.

Học sinh sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên tìm hiểu thông tin tuyển dụng việc làm.

Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tổng số lao động trong tỉnh đi làm việc ở nước ngoài 7 tháng đầu năm nay là 177 người, tăng 106 lao động so với cùng kỳ năm 2022. Theo kế hoạch năm 2023, UBND tỉnh đặt mục tiêu đưa 100 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó các thị trường trọng điểm tiếp tục là Ðài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Hàn Quốc. Như vậy, sau 7 tháng, số lao động đi làm việc ở nước ngoài đã đạt 177% kế hoạch năm. Ðể có kết quả trên phải kể đến hiệu quả công tác kết nối của địa phương và các sở, ban, ngành. Cùng với đó, nhiều chính sách khuyến khích phù hợp đã thu hút được nhiều đơn vị, doanh nghiệp tham gia tuyển chọn lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động trong việc lựa chọn đơn vị và thị trường phù hợp với nhu cầu, khả năng của bản thân.

Tuy nhiên công tác XKLÐ vẫn còn nhiều khó khăn khi thực tế chất lượng nguồn lao động của tỉnh còn thấp so với mặt bằng chung cả nước về tay nghề và kỹ năng, ý thức chấp hành kỷ luật, nhất là với các thị trường có thu nhập cao, ổn định như Ðức, Nhật Bản, Singapore...

Công ty Top Tech (Hải Phòng) là một trong những doanh nghiệp đã nhiều năm tuyển dụng lao động tại Ðiện Biên đi làm việc trong và ngoài nước. Công ty đã tìm kiếm các thị trường mới, hợp đồng thu nhập cao cho người lao động. Nhưng đối với các thị trường tiềm năng, có mức thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt thì quy trình, thủ tục, các điều kiện tuyển dụng, yêu cầu về chất lượng của lao động cũng được đề cao. Bà Nguyễn Thị Bích Hà, Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty Top Tech cho biết: Lao động tại tỉnh Ðiện Biên chủ yếu là lao động nông nghiệp, nông thôn, tỷ lệ lao động được đào tạo nghề còn thấp, kỹ năng, tay nghề và tác phong lao động công nghiệp còn yếu nên khả năng cạnh tranh thấp. Tính chuyên nghiệp trong kỹ năng làm việc nhóm và năng lực sử dụng ngoại ngữ hạn chế.

Công ty Cổ phần hợp tác Quốc tế CEMA (Hà Nội) chủ yếu tuyển dụng lao động sang làm việc tại Nhật Bản và Ðài Loan. Với kinh nghiệm nhiều năm tuyển dụng lao động đi XKLÐ cùng việc tập trung tuyên truyền đến từng địa bàn, công ty nắm và hiểu rõ những điểm yếu mà lao động Ðiện Biên gặp phải như: Kỹ năng chuyên môn của người lao động còn thấp, yếu về ngoại ngữ; dẫn đến sức cạnh tranh của lực lượng lao động hạn chế. Chia sẻ kinh nghiệm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực XKLÐ, ông Trần Thế Hiệp, Giám đốc Trung tâm đào tạo Nhật Bản, Công ty Cổ phần hợp tác Quốc tế CEMA cho biết: Ðể đào tạo nghề, kỹ thuật cho lao động, Công ty đã mời các giảng viên có tay nghề cao đến giảng dạy. Ðiều này giúp người lao động có kỹ năng nghề tốt, tự tin trước khi sang nước ngoài làm việc.

Thực tế trên đặt ra yêu cầu cần nâng cao hơn nữa công tác đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng cho người lao động trước khi đưa họ đi làm việc. Ngoài ra, các địa phương cần lựa chọn những doanh nghiệp có đủ tư cách pháp nhân, có năng lực uy tín trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài về tuyển chọn lao động trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Ðể đáp ứng nhu cầu thị trường lao động xuất khẩu, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp tạo nguồn lao động trình độ cao, mở rộng thị trường tiếp nhận lao động, giám sát chặt chẽ công tác tuyển chọn, đào tạo lao động của các doanh nghiệp, chú trọng kết nối doanh nghiệp XKLÐ với các trường nghề để tuyển chọn và đào tạo lao động. Khuyến cáo người dân trong độ tuổi lao động phải học nghề. Các doanh nghiệp cần đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới đào tạo lao động đáp ứng nhu cầu thị trường. Ðối với chính quyền các cấp, các ngành chức năng tích cực tuyên truyền, phổ biến để người lao động nắm bắt tình hình về thị trường lao động, nhu cầu thị trường lao động để chủ động học tập, tích cực trang bị cho mình kiến thức trước khi XKLÐ.

Bài, ảnh: Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top