Nghiên cứu, xác định thời điểm đóng bảo hiểm xã hội đủ 10 năm thì được hưởng lương hưu

15:44 - Thứ Năm, 17/08/2023 Lượt xem: 4124 In bài viết

Đồng tình với đề xuất giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội xuống đủ 15 năm để được hưởng lương hưu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nghiên cứu để xác định trong Luật thời điểm chuyển xuống đóng bảo hiểm xã hội đủ 10 năm là có thể hưởng lương hưu.

Sáng 17-8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung trình bày tờ trình.

Bổ sung 5 nhóm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

Trình bày tờ trình về dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bổ sung 5 nhóm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm: Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; Người lao động làm việc không trọn thời gian; Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; Trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên.

Đáng chú ý, dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hằng tháng (quy định hiện hành là 20 năm). Đối với người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dài hơn thì vẫn được hưởng lương hưu với tỷ lệ hưởng lương hưu cao hơn không thay đổi so với quy định hiện hành.

Quang cảnh phiên họp.

Về quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần, dự thảo Luật đề xuất 2 phương án. Thứ nhất, quy định việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau gồm: (nhóm 1) Đối với người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần; (nhóm 2) Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực trở đi thì không được nhận bảo hiểm xã hội một lần (trừ các trường hợp đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng).

Thứ hai, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Dự thảo Luật bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội; đồng thời, đã sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội như: Quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng (như lĩnh vực thuế); Quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên; Quyết định hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên; Cơ quan bảo hiểm xã hội kiến nghị khởi tố đối với trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Bộ luật Hình sự…

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo thẩm tra.

Xem xét việc lao động công nghệ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, việc quy định mở rộng một số nhóm đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của dự án Luật không phải là “chìa khóa” duy nhất để đạt được mục tiêu về tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội, mà phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Về việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiếu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, quy định như dự thảo là phù hợp và cũng là ý kiến tham gia thẩm tra của một số cơ quan của Quốc hội. “Tuy nhiên, để có cơ sở vững chắc khi lựa chọn phương án, đề nghị Chính phủ cần phải giải trình kỹ lưỡng, thuyết phục về việc thay đổi có ảnh hưởng về nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ của bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng về kinh tế hoặc mức sàn an sinh xã hội tối thiểu, có tạo điều kiện cho người lao động nhiều lần “rút bảo hiểm một lần” không”, bà Nguyễn Thúy Anh nói.

Về quy định các điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần, ý kiến của các cơ quan của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng còn khác nhau. Do đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và vấn đề an sinh xã hội lâu dài, tác động nhất định đến tâm lý xã hội, người lao động, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ cân nhắc để nghiên cứu quy định rõ ràng hơn để bảo đảm quyền lợi lâu dài cho người lao động, cần thiết bổ sung điều khoản chuyển tiếp hợp lý cho các trường hợp này.

Thảo luận về dự thảo Luật, đồng tình với đề xuất giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, nếu giữ nguyên quy định thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm trở lên thì được hưởng lương hưu như hiện hành thì sẽ có khoảng 476 nghìn người đã tham gia bảo hiểm xã hội khó có cơ hội nhận lương hưu. “Mặc dù mức lương hưu tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ khiêm tốn hơn nhưng người có thời gian đóng dài, đầy đủ sẽ có mức lương hưu hằng tháng ổn định, được đóng bảo hiểm y tế sẽ góp phần bảo đảm cuộc sống của người lao động khi về già”, bà Nguyễn Thị Thanh nói.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, đồng tình với đề xuất giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống 15 năm để hưởng lương hưu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nghiên cứu để xác định trong Luật thời điểm chuyển xuống đóng bảo hiểm xã hội đủ 10 năm là có thể hưởng lương hưu thì rất tốt. Đối với quy định rút bảo hiểm xã hội một lần, Chủ tịch Quốc hội cho rằng mỗi phương án có ưu điểm riêng. Do đó Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề xuất cơ quan soạn thảo nghiên cứu phương án tích hợp, sử dụng những mặt tốt nhất của hai phương án này để hình thành một phương án.

Về mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, Chủ tịch Quốc hội cho rằng một số mô hình kinh tế mới xuất hiện như kinh tế chia sẻ, công nghệ nền tảng… với quan hệ lao động rất khác; từ đó xuất hiện các đối tượng lao động mới như lao động công nghệ, lao động tự do, lao động làm việc từ xa. “Cần nghiên cứu đưa các đối tượng này tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hay không?”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội đã chuẩn bị dự án Luật khá kỹ, mặc dù lần đầu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng đã cho thấy nội dung rất tốt, tính cầu thị cao. Dự án Luật đã cơ bản bám sát đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội nói riêng – một trong những trụ cột của chính sách an sinh xã hội.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top