Người dân Pú Nhung chủ động, tự lực vươn lên

08:21 - Chủ Nhật, 20/08/2023 Lượt xem: 4113 In bài viết

ĐBP - Từ vùng đất cách mạng kiên trung nhưng nhiều gian khó, giờ đây quê hương anh hùng thiếu niên Vừ A Dính - mảnh đất Pú Nhung (huyện Tuần Giáo) đang đổi thay từng ngày. Ðổi thay từ tư duy chủ động, tự lực đến đời sống ngày càng ấm no, đủ đầy.

Hiện nay 8 bản của xã Pú Nhung đều có đường ô tô đến thuận lợi, nhờ đó xe của thương lái đến trực tiếp các bản thu mua nông sản.

Nhân dân Pú Nhung vốn chăm chỉ, cần cù. Những năm qua, được Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, bê tông hóa đường giao thông đi lại thuận tiện, người dân lại càng tích cực phát triển kinh tế, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, để xóa đói giảm nghèo bền vững. Những ngày đầu tháng 8, gia đình ông Vừ A Thu, bản Ðề Chia A tập trung làm cỏ nương dứa hơn 300m2. Diện tích đất nương này trước chỉ trồng ngô hoặc đậu tương, sắn, hiệu quả kinh tế không cao. Năm nay, lần đầu tiên gia đình ông chuyển sang trồng dứa, tìm hướng đi mới. Ông Thu chia sẻ: “Cây dứa dễ chăm sóc, ít sâu bệnh. Mà tuyến đường đi qua nương đã bê tông thuận lợi, vào mùa thu hoạch, xe thu mua các loại nông sản đến tận nơi. Nếu không thì mình tự chở xe máy về cũng rất thuận tiện. Vì thế, gia đình tôi chuyển đổi, trồng loại cây khác xem sao, mong muốn nâng giá trị kinh tế trên đất”.

Với tinh thần không ngại khó để tìm cách thoát nghèo, đổi thay cuộc sống, người dân Pú Nhung cũng như gia đình ông Vừ A Thu thử nghiệm và phát triển nhiều loại cây trồng. Ngoài hơn 1.300ha ngô, lúa nương, sắn, các hộ dân còn trồng 10ha cây ngắn ngày - cây lạc, 50ha dứa, 20ha mía, 16,36ha cà phê, 10ha sa nhân. Những năm gần đây, xã còn phát triển cây ăn quả với tổng diện tích 91,246ha, gồm: xoài Ðài Loan, nhãn, bưởi da xanh, cam, mít. Thêm một hướng đi mới là cây lâu năm mắc ca với hơn 82ha (trong đó trên 11ha trồng vào cuối năm 2022, còn lại trồng mới năm 2023).

Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, người dân còn tích cực góp tiền, góp sức, góp đất làm các công trình công cộng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần. Tênh Lá là bản xa trên cao, khó khăn nhất của xã Pú Nhung. Trước đây đường lên bản là đường đất, dốc cao, đi lại rất khó khăn. Vào mùa mưa, để xuống trung tâm xã phải đi bộ hoàn toàn. Hàng hóa sản xuất ra khó buôn bán bởi chỉ có thể dùng sức người, ngựa thồ mới vận chuyển xuống được. Năm 2020, con đường bê tông từ bản Phiêng Bi lên Tênh Lá gần 10km đã được hoàn thành, hiện thức hóa mong ước bốn mùa đều có thể đi lại nhanh chóng cho bà con. Ðể làm được tuyến đường, hơn 10 hộ dân tự nguyện hiến đất, hộ ít thì vài trăm mét vuông, nhiều thì vài nghìn mét. Ðường mở rộng rãi, ô tô có thể vào tận bản thu mua nông sản. Mới đây, tháng 3/2023, bản tưng bừng khánh thành nhà văn hóa. Công trình được 1 tổ chức hỗ trợ nguyên vật liệu, nhân dân hoàn thiện. Ông Ly Giống Lềnh, Bí thư bản Tênh Lá cho biết: Có đường ô tô đến bản, có nhà văn hóa khang trang, con em đến trường đầy đủ, đời sống bà con dần dần khá lên. Năm nay, bản có 27 hộ tham gia trồng mắc ca (mỗi hộ 100 cây), mấy năm nữa, bản làng chắc chắn sẽ khác nhiều.

Không riêng Tênh Lá mà chỉ trong 6 tháng đầu năm, người dân các bản góp công, góp của làm nhiều công trình phục vụ cuộc sống, như: Bản Phiêng Pi vận động bà con đóng góp và tự tay nâng cấp sân chơi diện tích 5.400m2, với tổng số tiền 153 triệu đồng; bản Xá Tự giải tỏa, mở đường nội đồng 1,5km, với hơn 70 triệu đồng; bản Khó Bua nâng cấp, cải tạo sân chơi tại bản diện tích 7.900m2, với số tiền 110 triệu đồng.

Ông Vừ A Kỷ, Chủ tịch UBND xã Pú Nhung chia sẻ: “Với sự quan tâm của Nhà nước và nội lực đi lên của người dân, xã ngày càng đổi mới, khang trang, hiện tại cơ bản đạt 14/19 tiêu chí nông thôn mới. Từ năm 2020 trở về đây, cơ sở hạ tầng xã được Ðảng, Nhà nước quan tâm hoàn thiện, di chuyển thuận lợi đến 8/8 bản. Từ đó tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trồng và bán các loại nông sản ngô, xoài, dứa... Trong năm 2023, các bản sôi nổi, phấn khởi đăng ký chuyển đổi diện tích đất dốc, bạc màu, không thể trồng cây truyền thống sang trồng mắc ca với tổng diện tích 63ha. Tương lai gần 4 - 5 năm, người dân sẽ có nguồn thu từ cây mắc ca. Mong rằng mọi công sức của người dân đều cho kết quả tích cực, ngày thêm nhiều ngôi nhà kiên cố mọc lên...”.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top