Nậm Pồ khẩn trương khoanh vùng, dập dịch tả lợn châu Phi

19:20 - Chủ Nhật, 20/08/2023 Lượt xem: 5107 In bài viết

ĐBP - Ngay sau khi phát hiện ổ dịch bệnh tả lợn châu Phi đầu tiên tại hộ gia đình anh S.A.P, bản Nậm Nhừ 1, xã Nậm Nhừ, huyện Nậm Pồ chỉ đạo các ngành liên quan xuống địa bàn khẩn trương dập dịch và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch lây lan.

Chốt kiểm dịch kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào địa bàn nơi ghi nhận ổ dịch bệnh tả lợn châu Phi.

Gia đình anh S.A.P có đàn lợn gồm 37 con. Ngày 11/8/2023, gia đình anh phát hiện một số con lợn có biểu hiện bỏ ăn, ốm nên đã báo cáo chính quyền địa phương. Nhận tin báo, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp (DVNN) huyện Nậm Pồ xuống lấy mẫu ngay trong ngày và gửi đi xét nghiệm. Đến chiều ngày 16/8 kết quả cho thấy, các mẫu bệnh phẩm đều dương tính với bệnh tả châu pPhi.

Tự tay bắt và tiêu hủy đàn lợn, anh S.A.P buồn bã cho biết: “Đàn lợn của gia đình nuôi đã lâu. Đây là tài sản lớn (tổng chi phí chuồng trại, đàn lợn trị giá hơn 300 triệu đồng), nhưng khi đàn lợn bị mắc bệnh dịch, dù xót xa, nhưng gia đình tôi cũng đồng tình với chính quyền là phải tiêu hủy để dịch bệnh không lây lan ra diện rộng. Biết được mức độ nguy hiểm của bệnh tả châu Phi, gia đình tôi đã chủ động khử khuẩn chuồng trại, xung quanh khu vực chăn nuôi, ngăn cấm người lạ đến gần đàn lợn”.

Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy lợn.

Ông Vàng A Thính, Chủ tịch UBND xã Nậm Nhừ chia sẻ: “Năm nay giá thành xuất bán lợn trên địa bàn xã cao nên bà con đã đầu tư nuôi với số lượng lớn (đàn lợn toàn xã khoảng gần 3.000 con). Vì thế, ngay khi phát hiện ổ dịch bệnh tả châu Phi, chính quyền xã đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện, hỗ trợ bà con khoanh vùng, tiêu hủy lợn chết. Để tránh trường hợp bà con xót của, tự ý vận chuyển lợn ra ngoài bán, xã đã thành lập tổ chốt chặn kiểm dịch động vật, túc trực 24/24, kiểm soát chặt chẽ, cấm vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn ra khỏi vùng có dịch; việc giết mổ, buôn bán sản phẩm của lợn trên địa bàn xã theo quy định”.

Theo thống kê, từ ngày 11/8 đến 11 giờ trưa ngày 20/8/2023, trên địa bàn bản Nậm Nhừ 1 đã tiêu hủy 22 con lợn, tổng trọng lượng 3.584kg, thuộc 4 hộ gia đình. Ông Phạm Trần Trường, Phó Giám đốc Trung tâm DVNN huyện Nậm Pồ cho biết: Ngay khi có kết quả mẫu bệnh phẩm, tôi và cán bộ chuyên môn đã trực tiếp xuống cơ sở, túc trực tại khu vực ổ dịch để hướng dẫn bà con khử khuẩn, tiêu hủy lợn mắc bệnh. Đồng thời, phối hợp với UBND xã tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi tình hình dịch bệnh; tổ chức tiêu hủy lợn, sản phẩm từ lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh tả châu Phi; hướng dẫn người dân chăn nuôi vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi; tổ chức giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Lực lượng chức năng cân trọng lượng lợn để có căn cứ hỗ trợ bà con.

Ông Hạng Nhè Ly, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: Để khống chế bệnh tả châu Phi lây lan trên diện rộng, huyện đã xây dựng phương án cụ thể tổ chức chống dịch. Thực hiện khoanh vùng ổ dịch; lập các chốt kiểm soát; khử trùng tiêu độc vùng dịch, vùng bị uy hiếp, vùng đệm theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và bố trí kinh phí mua vật tư chống dịch (hóa chất, vôi bột, bạt, nhân công, phương tiện tiêu hủy, trang bị bảo hộ)… Huyện tổ chức tiêu hủy lợn đảm bảo an toàn, không làm lây lan dịch bệnh. Nậm Pồ cũng khẩn trương rà soát tổng số hộ chăn nuôi lợn, tổng đàn lợn, đặc biệt tại bản đã có dịch để tránh tình trạng khai báo không trung thực nhằm trục lợi chính sách hỗ trợ. Đối với xã Nậm Nhừ, nơi khởi phát bệnh tả lợn châu Phi, đã khẩn trương thực hiện các biện pháp khoanh vùng dịch, không để bùng phát dịch bệnh ra diện rộng. Việc tiêu hủy đối với đàn lợn bị bệnh và có triệu chứng bệnh, các bước chôn lấp thực hiện theo đúng quy định. Tại ổ dịch và vùng bị uy hiếp thực hiện tổng vệ sinh khử trùng tiêu độc theo quy định.

UBND huyện Nậm Pồ cũng chỉ đạo các ngành chức năng (Công an huyện, quản lý thị trường, các đồn biên phòng…) phối hợp, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ vận chuyển, buôn bán, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật ra - vào địa bàn và qua biên giới. Cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán lợn và các sản phẩm từ lợn làm lây lan dịch bệnh. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền hàng ngày về diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn để người dân nắm bắt kịp thời; khi lợn có triệu chứng bị bệnh, phải báo cáo ngay với chính quyền địa phương xử lý kịp thời, thực hiện tốt “5 không”, đó là “Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn ốm, chết ra ngoài môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa xử lý nhiệt làm thức ăn cho lợn”.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận

Tin khác

Back To Top