Lịch Cang hôm nay

09:09 - Thứ Bảy, 26/08/2023 Lượt xem: 5458 In bài viết

ĐBP - Sáng sớm mùa thu, núi rừng Lịch Cang, xã Nặm Lịch (huyện Mường Ảng) dần hiện ra sau màn sương mờ ảo, ánh nắng vàng ruộm xuyên qua từng kẽ lá. Những nương sắn, nương ngô, ruộng lúa, vườn cà phê xanh ngút ngàn đón ánh nắng ban mai. Thấp thoáng những ngôi nhà sàn mái tôn xanh, đỏ nằm nép dưới chân đồi xen lẫn những ngôi nhà xây kiên cố, cờ Tổ quốc tung bay trong gió… Tất cả tạo nên bức tranh nông thôn miền núi trù phú, ấm no.

Một góc bản Lịch Cang hôm nay.

Những năm gần đây nhờ được thụ hưởng các chương trình mục tiêu quốc gia mà cuộc sống của người dân Lịch Cang bớt khó khăn vất vả. Dạo quanh bản chúng tôi cảm nhận được sự “thay da đổi thịt” của mảnh đất nơi đây. Trong bản nhà nào cũng có vườn rau xanh; lợn, gà đầy chuồng. Gặp chị Lò Thị Trang, chủ một cửa hàng tạp hóa, đang bán hàng cho người dân trong bản, chị Trang chia sẻ: Từ khi được Nhà nước đầu tư điện lưới, nước sinh hoạt, xây dựng đường nông thôn nội bản cuộc sống của người dân đã cải thiện nhiều. Có nước sinh hoạt hàng ngày thoải mái mà còn giúp tăng gia sản xuất, trồng rau, nuôi lợn, nuôi gà được thuận tiện, sạch sẽ hơn. Nếu như trước kia cả bản chỉ có vài nhà trồng được rau xanh, thì nay hầu như nhà nào cũng có vườn rau nhỏ phục vụ gia đình. Thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, gieo trồng nên người dân chúng tôi đã dần thay đổi nếp nghĩ cách làm. Ðược sử dụng giống ngô, giống lúa mới cho năng suất cao, nên thu nhập của người dân được cải thiện. Giao thông thuận lợi, nhiều hộ dân trong bản đã chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh doanh dịch vụ, bán hàng tạp hóa, quán ăn sáng. Như gia đình tôi, ngoài bán hàng tạp hóa, ăn sáng, còn kết hợp chăn nuôi 20 con lợn thương phẩm, gần 100 con gà, vịt, vừa phục vụ sinh hoạt và có thêm thu nhập. Cuộc sống gia đình được cải thiện, có tiền nuôi con ăn học. Hàng năm trừ chi phí gia đình thu nhập hơn 150 triệu đồng

Sau khi tham quan một vòng quanh bản, chúng tôi đến nhà Bí thư chi bộ Quàng Văn Học, một trong những bí thư chi bộ tâm huyết và là gương sản xuất kinh tế giỏi của xã. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn khang trang, sạch đẹp, ông Học niềm nở cho biết: Bản Lịch Cang hiện có 165 hộ, 667 khẩu; là bản có xuất phát điểm thấp, thời gian qua người dân trong bản đã cùng với chính quyền địa phương nỗ lực vươn lên, huy động mọi nguồn lực, đóng góp của nhân dân để đầu tư xây dựng nông thôn mới (đường giao thông, kênh mương nội đồng…). Nhà nước đầu tư tiền, nhân dân góp đất, ngày công. Ðến nay, bộ mặt nông thôn Lịch Cang khang trang, sạch, đẹp; 100% đường giao thông nội bản được bê tông hóa, người dân trong bản được sử dụng điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, sử dụng dịch vụ internet không dây. Người dân đã thay đổi tư duy sản xuất lạc hậu. Chuyển đổi diện tích đất ngô, lúa bạc màu sang trồng cây cà phê, cây ăn quả, tích cực đưa giống vật nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao vào chăn nuôi. Hiện nay, cả bản có trên 500 con gia súc, trên 2.400 con gia cầm các loại. Một số hộ gia đình đã nắm bắt xu hướng thị trường chuyển sang phát triển kinh tế theo hình thức kinh doanh, dịch vụ. Hiện trong bản có 6 hộ kinh doanh hàng tạp hóa, dịch vụ ăn sáng. Nhiều hộ đã trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp xã, cấp huyện, với các mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập từ 50 - 200 triệu đồng/năm. Tiêu biểu như các gia đình: Lò Văn Lún, Lò Văn Loan, Lò Văn Biên, Cà Văn Thoan, Lò Thị Trang…

Người dân bản Lịch Cang, xã Nặm Lịch chủ động chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, đưa giống lợn năng suất cao vào chăn nuôi. Trong ảnh: Chị Lò Thị Trang, bản Lịch Cang chăm sóc đàn lợn.

Lịch Cang không chỉ vươn lên trong phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng nông thôn mà còn là điểm sáng trong việc giữ gìn, bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống. Những năm gần đây trong bản đã xóa bỏ nhiều hủ tục. Ðám tang không còn ăn uống linh đình tốn kém như trước. Cưới hỏi cũng được tổ chức tiết kiệm, không còn hiện tượng thách cưới, người dân duy trì và phát triển được đội văn nghệ quần chúng của bản với nhiều tiết mục múa đặc sắc mang đậm nét truyền thống của dân tộc Thái như: Múa xòe, múa nón, nhảy sạp.

Cuộc sống đổi thay, cơ sở vật chất, trường lớp học được đầu tư xây dựng khang trang sạch đẹp, đảm bảo các điều kiện tối thiểu cho công tác dạy và học. Sự học ở đây giờ đỡ vất vả hơn trước nhiều. Ðường giao thông đi lại thuận tiện, giáo viên không còn lo bị trễ giờ lên lớp bởi những trận mưa rừng. Người dân quan tâm nhiều đến việc học hành của con em mình. Hàng năm tỷ lệ trẻ trong độ tuổi đi học được huy động ra lớp đạt 100%.

Nói về sự “thay da đổi thịt” của bản Lịch Cang, Bí thư Ðảng ủy xã Nặm Lịch Mùa Chù Di cho biết: Nặm Lịch là xã đặc biệt khó khăn của huyện Mường Ảng, với trên 40% dân số là hộ nghèo. Chỉ 5 năm về trước bản Lịch Cang vẫn còn vô vàn khó khăn như: Không đường, không nước sinh hoạt; người dân vẫn còn tập tục nuôi nhốt trâu, bò dưới gầm sàn; chưa biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự quan tâm đầu tư của Ðảng, Nhà nước thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, đến nay đời sống người dân có nhiều khởi sắc. Ðặc biệt Lịch Cang là bản dẫn đầu xã về các phong trào thi đua, phát triển kinh tế - xã hội. Bản có tổng đàn gia súc, gia cầm nhiều nhất xã; có diện tích cây công nghiệp lớn nhất xã (trên 20ha cây cà phê); đạt số tiêu chí nông thôn mới cao nhất xã (9 tiêu chí)… Người dân bước đầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ.

Công cuộc xóa đói, giảm nghèo của bản Lịch Cang nói riêng và xã Nặm Lịch nói chung vẫn còn nhiều gian khó. Song tin tưởng rằng với sự vào cuộc sát sao của cấp ủy, chính quyền, sự năng động sáng tạo, chịu thương chị khó của người dân, Lịch Cang sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng bản nông thôn mới vào năm 2025 theo kế hoạch đã đề ra.

Anh Nguyễn
Bình luận

Tin khác

Back To Top