Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau, sự khắc khoải đợi chờ danh tính hài cốt liệt sĩ vẫn còn trong tâm thức của hàng trăm nghìn gia đình. Quá trình giám định ADN xác minh nhân thân liệt sĩ hiện đang gặp những thách thức lớn như các mẫu hài cốt bị phân hủy theo thời gian, nhiều trường hợp thiếu thông tin thực chứng bổ sung...
Để nâng cao công suất và hiệu quả giám định ADN, việc xây dựng một phương pháp mới đang là yêu cầu bức thiết.
Nỗ lực ứng dụng khoa học
Các kết quả giám định ADN hài cốt liệt sĩ tại Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam thực hiện thành công trong giai đoạn đầu từ những năm 2000 là căn cứ khoa học để Chính phủ quyết định đưa công nghệ giám định ADN trở thành một phương pháp khoa học, tin cậy đối với việc định danh hài cốt liệt sĩ chưa biết thông tin.
Theo Tiến sĩ Hoàng Hà, Giám đốc Trung tâm Giám định ADN (CDI) thuộc Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam), quy trình giám định ADN với hài cốt khá phức tạp.
Rất nhiều công đoạn, nhiều phương pháp khoa học được thực hiện từ khi tiếp nhận mẫu hài cốt cho đến khi tách chiết ADN, để đến khâu cuối là mẫu ADN được giải trình tự bằng phương pháp Sanger sau khi được khuếch đại bằng phương pháp PCR.
“Không phải mẫu nào cũng có thể lấy được ADN. Ngay cả khi mẫu vật có tách xuất được ADN thì phía trước vẫn còn nhiều việc phải làm. Thực tế chỉ có khoảng 50% số mẫu là giám định được ADN. Công nghệ giám định ADN hài cốt là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay nhưng cũng không cho ra kết quả tuyệt đối. Hành trình để có được một kết quả phân tích ADN mất 3-6 tháng” - Tiến sĩ Hoàng Hà chia sẻ.
Cũng theo Tiến sĩ Hoàng Hà, hiện nay, công nghệ giám định hài cốt ở Trung tâm là phân tích ADN ty thể, tức là xét nghiệm các gen nằm trên ADN ty thể để xác định những người tham gia xét nghiệm có chung huyết thống theo dòng mẹ hay không. Mặc dù phương pháp này đã hỗ trợ nhiều kết luận xác định danh tính nhưng thực tế quá trình giám định ADN hài cốt gặp không ít thách thức khi số lượng mẫu lớn và chất lượng mẫu giảm theo thời gian.
Trong khi đó, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học Phí Quyết Tiến cho hay, trước đây, Việt Nam áp dụng công nghệ này vì phù hợp với điều kiện trong nước làm với quy mô nhỏ. Nhưng nay, công nghệ cũ không còn phù hợp với chất lượng xương, đòi hỏi giám định tăng lên cả về cỡ mẫu và yêu cầu chất lượng.
Thử nghiệm công nghệ mới
Với mục tiêu giúp Việt Nam nâng cao năng lực giám định hài cốt trong chiến tranh và phát triển một hệ thống toàn diện để đối khớp ADN từ hài cốt bị phân hủy nặng với ADN của các gia đình đang tìm kiếm người thân, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tài trợ Dự án giám định hài cốt trị giá 7,4 triệu USD.
Trong khuôn khổ dự án này, từ đầu năm 2023 đến nay, Ủy ban quốc tế về Tìm kiếm người mất tích (ICMP) phối hợp với Trung tâm Giám định ADN phát triển và tối ưu các công nghệ phân tích ADN mới bao gồm công nghệ tách chiết ADN nhân, công nghệ giải trình tự gen thế hệ mới (NGS) phát hiện và phân tích các chỉ thị SNP (đa hình đơn nucleotide).
Giám đốc Trung tâm Giám định ADN Hoàng Hà cho biết, quy trình tách chiết ADN của Ủy ban quốc tế về Tìm kiếm người mất tích sử dụng kỹ thuật khử khoáng toàn phần mẫu xương và sử dụng các màng đặc biệt giúp cô đặc ADN, tăng cường hàm lượng các đoạn ADN kích thước ngắn thu về trong dịch tách chiết. Ngoài ra, quy trình đã được điều chỉnh cho phù hợp các hệ thống tách chiết tự động để có khả năng tự động hóa một phần.
Giải trình tự gen thế hệ mới là công nghệ cho phép giải mã đồng thời hàng triệu đoạn ADN trong cùng lúc, qua đó giúp nâng cao hiệu suất của quá trình giải mã hệ gen người. Ðối với công nghệ giải trình tự mới, việc sử dụng SNP - một loại chỉ thị phân tử trong gen nhân, có thể đưa đến kết luận nhận dạng xác định giữa mẫu giám định không chỉ với những người họ hàng gần mà còn với những người họ hàng xa. Đây là một tính năng ưu việt, phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam.
Ðược biết, quá trình nghiên cứu thử nghiệm công nghệ kể trên đã thu về một số kết quả bước đầu. Sắp tới, Trung tâm Giám định ADN sẽ tiến hành thử nghiệm một số quy trình tách chiết ADN tại phòng xét nghiệm với sự hỗ trợ về thiết bị, kỹ thuật và vật liệu giám định ADN tiên tiến từ Ủy ban quốc tế về Tìm kiếm người mất tích. Việc làm chủ công nghệ sẽ giúp Trung tâm đủ khả năng tách chiết thành công ADN từ các mẫu xương đã bị phân hủy nặng để có những đánh giá ban đầu về hiệu quả và khả năng ứng dụng của những quy trình này tại Việt Nam. Quá trình thử nghiệm công nghệ tách chiết ADN và giải trình tự gen sẽ được tiến hành theo nhiều giai đoạn, kéo dài đến tháng 7-2025.