Tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia

09:15 - Thứ Ba, 29/08/2023 Lượt xem: 4955 In bài viết

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết tình hình triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2023 và giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, diễn ra sáng 28-8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia cho biết.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt hơn trong việc tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia - Ảnh: VGP/Hải Minh

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết tình hình triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2023 và giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, diễn ra sáng 28-8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia cho biết: Tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét ban hành một số cơ chế đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Đề xuất của Chính phủ được đưa ra trong bối cảnh tỷ lệ giải ngân mới đạt khoảng 28,7% kế hoạch vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025, do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Qua 6 chuyến khảo sát thực tế và làm việc với các địa phương của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại 4 vùng trên cả nước trong thời gian vừa qua cho thấy, có nhiều dự án manh mún, quy trình thủ tục phức tạp; trong khi năng lực, trình độ của cấp cơ sở nhiều nơi còn yếu, dễ dẫn đến rủi ro.

Các địa phương phản ánh việc giao vốn sự nghiệp được ấn định đến từng tiểu dự án, chương trình khiến không thể điều chuyển vốn từ các dự án chậm tiến độ hoặc không có khả năng giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân nhanh hơn nhưng thiếu vốn. Đồng thời, các địa phương kiến nghị Trung ương thông báo dự kiến phân bổ vốn sự nghiệp theo giai đoạn 5 năm để chủ động trong huy động nguồn vốn đối ứng và lập kế hoạch triển khai.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt hơn trong việc tổ chức thực hiện vì thực tiễn cho thấy địa phương nào chủ động, quyết liệt hơn đều có tỷ lệ giải ngân cao hơn. Các địa phương phải chú trọng nghiên cứu các văn bản mới ban hành, đặc biệt là Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24-6-2023 của Chính phủ; Quyết định số 18/2023/QĐ-TTg ngày 1-7-2023 và số 04/2023/QĐ-TTg ngày 23-2-2023 của Thủ tướng Chính phủ, 6 thông tư cùng với các văn bản hướng dẫn, trả lời kiến nghị của các bộ, cơ quan trung ương.

Phó Thủ tướng cũng mong muốn các địa phương tăng cường chia sẻ, trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, trong đó có việc huy động nguồn vốn xã hội hóa, đóng góp của nhân dân và lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Trong kỳ họp tới, Quốc hội sẽ nghe báo cáo của Đoàn giám sát về việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Quốc hội thực hiện giám sát các chương trình mục tiêu quốc gia ngay trong quá trình triển khai thực hiện. Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo, khẩn trương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của các địa phương tại hội nghị này cùng các hội nghị vùng vừa tổ chức và qua tổng hợp của Đoàn giám sát của Quốc hội để hoàn tất báo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp tới.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top