Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực trong tháng 9

16:04 - Thứ Ba, 29/08/2023 Lượt xem: 4474 In bài viết

Tháng 9/2023 có nhiều chính sách mới có hiệu lực, trong đó có những chính sách liên quan đến công chức, viên chức như quy định về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức.

Ảnh minh họa.

Thay đổi cách đánh giá công chức, viên chức

Chính phủ ban hành Nghị định số 48/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.

Nghị định mới có hiệu lực từ 15/9, với 5 điểm mới trong trong đánh giá công chức, viên chức.

Trước hết, Nghị định bổ sung hướng dẫn xếp loại công chức, viên chức bị kỷ luật Đảng. Quy định cũ tại khoản 4 Điều 2 Nghị định 90/2020/NĐ-CP chỉ nêu sử dụng kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức để liên thông đánh giá, xếp loại chất lượng Đảng viên. Điểm mới trong đánh giá công chức từ 15/9/2023 đã bổ sung chi tiết hướng dẫn xếp loại, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức đã bị kỷ luật Đảng hoặc kỷ luật hành chính.

Điểm mới thứ hai, Nghị định sửa tiêu chí xếp loại chất lượng không hoàn thành nhiệm vụ. Theo đó, một trong các tiêu chí làm căn cứ xếp loại cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ đã được sửa từ “có hành vi vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá” thành “có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá."

Như vậy, thống nhất ở cả cán bộ, công chức, viên chức việc bỏ cụm từ “trong quá trình thực thi nhiệm vụ”. Đồng nghĩa với đó là, mở rộng phạm vi đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.

Từ 15/9, không còn giới hạn những hành vi bị kỷ luật trong quá trình thực thi nhiệm vụ nữa mà trong bất cứ trường hợp nào, khi bị kỷ luật trong năm đánh giá thì cán bộ, công chức, viên chức đều có thể bị xem xét đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.

Điểm mới thứ ba, thay đổi phương thức lưu trữ kết quả đánh giá, xếp loại. Phương thức lưu trữ tài liệu kết quả đánh giá xếp loại chất lượng của cán bộ, công chức, viên chức từ việc phải thể hiện bằng văn bản thì từ 15/9, phương thức lưu giữ tài liệu này còn được thực hiện bằng phương thức điện tử.

Điểm mới thứ tư là Nghị định quy định không xem xét lại kết quả xếp loại chất lượng trước 15/9. Theo đó, những trường hợp đã có kết quả xếp loại chất lượng trước ngày 15/9 sẽ không được xem xét lại. Các trường hợp cấp có thẩm quyền thực hiện xem xét đánh giá, xếp loại chất lượng trước ngày 15/9, tiếp tục áp dụng quy định của pháp luật tại thời điểm đó, tức là vẫn áp dụng quy định cũ tại Nghị định 90/2020/NĐ-CP.

Điểm mới cuối cùng của Nghị định số 48 là về việc ban hành quy chế đánh giá.

Thực tế cho thấy quá trình thực hiện các quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, các bộ, ngành, địa phương phản ánh vướng mắc, thiếu căn cứ pháp lý để xử lý một số tình huống phát sinh trong công tác cán bộ. Một số quy định cần sửa đổi để bảo đảm thống nhất trong áp dụng pháp luật như thẩm quyền đánh giá, xếp loại; quy định về việc ban hành Quy chế đánh giá...

Để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đồng thời giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thống nhất giữa pháp luật của Nhà nước và quy định của Đảng, những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thì việc ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị định 90 là cần thiết, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

Nâng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21/7/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.

Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng lên 2,055 triệu đồng, so với mức cũ là 1,624 triệu đồng. Như vậy, mức chuẩn trợ cấp người có công mới đã tăng lên hơn 26%.

Nghị định nêu rõ mức chuẩn quy định ở trên làm căn cứ để tính mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng.

Nghị định 55/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 5/9.

Mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng theo quy định Nghị định số 55/2023/NĐ-CP được thực hiện kể từ ngày 1/7.

Tăng trợ cấp hằng tháng cho cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc

Theo Thông tư số 11/2023/TT-BNV có hiệu lực từ ngày 15/9, từ ngày 1/7, điều chỉnh tăng thêm 12,5% mức trợ cấp hằng tháng trên mức trợ cấp được hưởng tại thời điểm tháng 6 đối với cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 42/2023/NĐ-CP.

Mức trợ cấp hằng tháng được hưởng từ 1/7 tính theo công thức: Mức trợ cấp hằng tháng được hưởng từ ngày 1/7/2023 = Mức trợ cấp được hưởng tại thời điểm tháng 6/2023 x 1,125.

Nếu sau khi điều chỉnh mà mức trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc được hưởng thấp hơn 3 triệu đồng/tháng sẽ được điều chỉnh tăng thêm như sau. Những người có mức hưởng trợ cấp hằng tháng dưới 2,7 triệu đồng/người/tháng: Được tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng.

Những người có mức hưởng trợ cấp hằng tháng từ 2,7 triệu đồng/người/tháng đến dưới 3 triệu đồng/người/tháng: Được tăng lên bằng 3 triệu đồng/người/tháng.

Do đó, căn cứ theo quy định trên, mức hưởng trợ cấp hàng tháng từ 1/7 (đã làm tròn số) đối với cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc cụ thể là Cán bộ nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Bí thư, Phó Chủ tịch, Thường trực Đảng ủy, Ủy viên thư ký Ủy ban nhân dân, Thư ký hội đồng nhân dân xã, Xã đội trưởng, Trưởng công an xã ở mức 3 triệu đồng/tháng; Các chức danh còn lại ở mức 2,817 triệu đồng/tháng.

Theo Baobinhduong/TTXVN
Bình luận

Tin khác

Back To Top